Trong đời chúng ta đã chứng kiến có nhiều kẻ không tu hành, làm ác mà chẳng thấy quả khổ của họ, nên mọi người đâm ra nghi ngờ luật nhân quả. Họ đâu biết rằng luật nhân quả rất công bằng và công lý. Ai làm thiện thì hưởng phước, còn ai làm ác thì chịu quả khổ, không có một ai tránh khỏi. Chỉ có phước thừa của họ chưa hết, nên họ làm ác vẫn còn thấy được an vui, nhưng sự vui ấy chưa thật sự là an vui. Nếu chúng ta nhìn kỹ thì cái vui của họ là tiếng khóc, cái hãnh diện của họ là những ưu tư da diết trong lòng, chứ không phải là hạnh phúc đâu.
"Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí". Người xưa đã nói như vậy (cái phước không có thể đến lần thứ nhì, trong khi cái hoạ, tai nạn thì có thể kéo tới dồn dập). Tức là họ đã có kinh nghiệm trong cuộc sống, nên đã nhận ra được luật nhân quả rõ ràng và cụ thể "vay một, trả mười". Nhân quả không những phải trả ở tương lai, trong kiếp khác, mà còn phải trả ngay trong kiếp hiện tại. Chỉ khi nào người tạo quả ác đã hết phước thì họ phải trả ngay liền. Còn quả ở vị lai thì nó đã trở thành nghiệp lực để tiếp tục tương ưng với nhân quả của người khác mà tái sanh vào môi trường sống xấu hơn, nếu họ làm ác nhiều, hoặc tốt hơn, nếu họ làm thiện nhiều.
Phật dạy: "Các pháp trong thế gian là do duyên hợp mà thành, nhưng sự thành hoại đều do hành động nhân quả mà có". Nhân quả có lúc hiện ra rất rõ, có lúc lại thấy như không có nhân quả. Nhưng chúng ta phải biết nhân quả lúc nào cũng đang chi phối loài người theo mỗi hành động của con người. Và vì vậy mà con người thấy có khổ, có vui, có giận hờn, thương, ghét, có buồn phiền, đau khổ, có oan ức, có hận thù, v.v... (VIII/ 293-296)