Với trí hữu hạn của con người mà đòi hiểu bản thề tuyệt đối của vạn hữu, cũng như dùng mắt thường mà muốn tìm thấy vi trùng trong ly nước. Vậy mà con người vẫn không nhận ra điều ấy, lại dùng tưởng tri để hiểu. Họ hiểu sai tất cả mà cứ ngỡ rằng mình hiểu đúng, rồi đem truyền dạy cho người khác cũng hiểu như mình. Từđó thế giới tưởng thành hình, mọi người ai cũng tôn thờ, cung kính, xem như thế giới vĩnh hằng bất biến của loài người.
Người xả tâm sạch không phải đạt được bản thể tuyệt đối mà chỉ mới làm chủ tâm mình (ly dục, ly ác pháp). Đối với đời sống hằng ngày họ không còn phiền não, đau khổ, thương ghét, hận thù, v.v... Trong bốn cái khổ của kiếp người, họ mới làm chủđược một cái (sanh). Trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, họ còn phải tu tập nhiều nữa.
Bản thể tuyệt đối mà các tôn giáo và các pháp môn khác đề cập đến đều là tưởng giải của họ mà thôi. Người tu Phật phải luôn luôn ghi nhớ rằng "mục đích của sự tu tập là để giải quyết bốn nỗi khổ của kiếp người là sanh, già, bệnh, chết".
Sau khi giải quyết bốn cái khổ của kiếp người xong thì Đức phật xác định: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái nầy nữa". Đến đây chắc có người sẽ hỏi: "Còn có cái gì không?" Nếu nói còn là chấp thường, chấp ngã, nếu nói không thì chấp đọan. Bởi vì với trí hữu hạn, con người không nên tìm hiểu xa hơn, mà chỉ biết tu tập như thế nào để thoát khổ của kiếp người là hạnh phúc lắm rồi. Mục đích của đạo Phật là như vậy, còn tìm hiểu thêm thì hiểu sai, mà hiểu sai thì lại sanh ra chấp đắm, tạo nhiều đau khổ và còn đau khổ nhiều hơn.
Chính vì hiểu sai sự vật (vô minh), nên con người đã lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thật có, và tạo ra muôn vàn đau khổ. Bây giờ thoát khổ rồi mà lại hỏi còn có khổ nữa hay không thì thật là điên đảo hết chỗ nói. Ở chỗ nầy, với trí phàm phu, ai muốn hiểu sao cũng được. Chỉ có người tu hành, khi đạt đến đó được thì mới hiểu rõ ràng. Kẻ không tu mà muốn biết, cố tìm hiểu cũng chỉ là hiểu tưởng mà thôi (hiểu sai bét), và sự hiểu sai đó tạo ra sự mê tín, lạc hậu của con người cổ xưa, mà đức Phật, cách đây 2544 năm đã nói trong bài kinh "Pháp Môn Căn Bản". Bây giờ, sang thế kỷ 21, chẳng lẽ ta cũng còn sống trong tưởng tri nữa hay sao? Cũng còn lạc hậu như xưa hay sao?