Có người sẽ hỏi: “Người tu hành chứng đạo, làm chủ sanh, già, bệnh chết, cớ sao còn bị phiền não, bị già, bệnh chết, và bị tai nạn?” Thưa quý vị, ở đây tôi nói bậc tu hành chứng đạo chỉ làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chớ không làm chủ cái thân giả tạo, vô thường, duyên hợp. Thân ngũ uẩn, duyên hợp là chuyện có thật, cho nên sanh, già, bệnh, chết bắt buộc phải đến.
1/ Các Ngài cũng bệnh, cũng chết như tất cả mọi người; nhưng nó không tác động vào các Ngài được. Vì thế sanh, già, bệnh chết không làm tâm họ dao động. Đó là giai đoạn làm chủ thứ nhất (làm chủ tâm, tâm bất động trước cảnh sanh, già, bệnh chết).
2/ Chỗ làm chủ thứ hai là: khi có sanh, già, bệnh, chết đến thì người tu chứng sẽ làm chủ nó bằng cách dùng đạo đức đẩy lui để thân tâm lúc nào cũng được thanh thản và an lạc, không có khổ não. Thí dụ: làm chủ sanh. Khi có xảy ra tai nạn, kiện tụng, ham muốn, thèm khát, sợ hãi, lo toan, vv ... người tu chứng sẽ dùng trí tuệ nhân quả quán xét, thì ngay đó tâm sẽ được an ổn, không còn buồn lo, sợ hãi, sân hận, vv... Khi khởi tâm ham muốn cái nầy, cái khác thì ta dùng trí tuệ tứ niệm xứ, quán xét các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã thì tâm ham muốn (tham dục) dừng liền. Đó là cách làm chủ sanh thứ hai.
* Làm chủ già: Tịnh chỉ thân hành, khẩu hành, ý hành, tức là tịnh chỉ tầm, tứ (Nhập Sơ Thiền).
** Làm chủ bệnh : Khi thân có bệnh, đau nhức, khổ sở ta phải làm chủ thọ, bằng cách ly hỷ, trú xả, nhập Tam Thiền. Từ Tam Thiền dùng Như Lý Tác Ý xả thọ khổ. Kinh dạy ly hỷ trú xả tức là xả lạc, xả khổ. Xả lạc, xả khổ tức là xả thọ. Xả thọ tức là xả sự đau khổ của thân.
*** Làm chủ chết: Khi thân suy yếu sắp chết, ta tịnh chỉ hơi thở, nhập Tứ Thiền, xả bỏ thân tứ đại nhân qủa một cách dễ dàng.
Do đó, làm chủ sanh, già, bệnh, chết ở phần thứ nhất là làm chủ tâm, tâm bất động trước cảnh sanh, già, bệnh, chết. Phần thứ hai là làm chủ những trạng thái sanh, già, bệnh, chết xảy đến cho thân, tức là trực tiếp tịnh chỉ các trạng thái đau khổ của sanh, già, bệnh, chết. Ta không thể ngăn chận sanh, già, bệnh, chết, hoặc tai nạn không xảy đến với thân nầy, vì thân nầy là thân nhân quả nên những điều thiện ác mà ta đã tạo ra từ trước thì ta phải nhận lấy hậu quả mà thôi.
Ngăn chận tức là dừng nhân quả. Đạo phật dạy làm chủ nhân quả, vượt qua nhân quả, chớ không dạy ngăn chận và dừng nhân quả. Vì từ nhân quả con người tạo ra thì chỉ có làm chủ tâm không tạo nhân quả ác nữa, thì nhân quả sẽ chấm dứt, như Phật đã dạy trong pháp Tứ Chánh Cần (ngăn ác, diệt ác pháp, sanh khởi thiện,tăng trưởng thiện). Đó là pháp tu tập làm chủ nhân quả, hay là pháp môn tu nhập định để làm chủ sanh, tử, luân hồi.
(1) Tóm lại, muốn làm chủ nhân quả, chấm dứt sanh tử, luân hồi là phải tu tập điều khiển khẩu hành, thân hành và ý hành. Luôn luôn thực hiện nhân thiện để tạo quả lành, hoàn toàn ngăn và diệt trừ nhân ác. Đó là giai đoạn thứ nhất người đệ tử tu Phật cần phải tinh cần siêng năng tu tập, (không được biếng trễ).
(2) Muốn làm chủ điều khiển nghiệp quả của thân (lão, bệnh, tử) thì phải tu tập Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Đó là giai đoạn thứ hai mà người đệ tử của Phật cần phải tinh cần, tinh tấn, siêng năng tu tập, không được biếng trễ.
(3) Muốn điều khiển, làm chủ sự tái sanh, luân hồi thì phải tu tập Tam Minh. Đó là giai đoạn thứ ba mà người đệ tử Phật cần phải tinh cần, tinh tấn, siêng năng tu tập, không được biếng trễ.
Quý phật tử đừng hiểu lầm làm chủ nhân quả là dừng nhân quả. Làm chủ nhân quả có nghĩa là làm cho thân tâm thanh thản, an lạc trước thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ . Nói một cách khác, làm chủ nhân quả tức là làm chủ thân tâm mình trước các ác pháp ác, bất thiện pháp, khiến cho thân tâm bất động và tự tại, chớ không phải là “Bất Muội nhân quả” như một thiền sư đã nói.