Tập “Cẩm Nang Tu Phật” nầy khởi đầu chỉ là quyển sổ tay của chúng tôi, ghi lại những lời hay, ý đẹp, trích từ các quyển sách Đường Về Xứ Phật (tập I-VI), Những Lời Phật Dạy, Hành Thập Thiện, và tài liệu đánh máy 26 trang (của đạo hữu Minh Kiên ghi lại hai cuồn băng Thiền Căn Bản I) của Hòa Thượng Chơn Như. Một số huynh đệ ở miền Nam California tán thán việc làm ấy và khuyến khích chúng tôi đánh máy và phổ biến cho bạn bè cùng đọc. Thiết nghĩ đây cũng là một dịp để giúp cho các huynh đệ tìm về giáo lý Nguyên Thủy, tu tập đúng như lời Phật dạy và cũng là một cách báo ơn Phật và đền ơn Hòa Thương Chơn Như, người đã từ bi chỉ dạy cho chúng ta con đường mà Thầy đã đi qua, chúng tôi phát tâm đánh máy tập “Cẩm Nang Tu Phật” nầy.
Để giúp các bạn làm quen với giáo lý Thiền Nguyên Thủy, chúng tôi tập trung ở những trang đầu giải thích các thuật ngữ như: Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Tứ Thánh Định, Định Vô Lậu, vv... Về các loại Định, xin xem trang 35, 36. Một số chữ viết tắt dùng trong tập nầy:
Số La Mã I, II, IV là Quyển Đường Về Xứ Phật I, II,IV Số thường đứng sau số La mã để chỉ số trang dẫn chứng trong sách. Thí dụ:
II/157-159: trích quyển Đường Về Xứ Phật, quyển II, từ trang 157 đến 159.
NLPD: Những Lời Phật Dạy TCB I: Thiền Căn Bản I, tài liệu đánh máy, ghi lại từ băng giảng Thiền Căn Bản I của Hòa Thượng.
(Những chữ in nhỏ trong dấu ngoặc) : chú thích riêng của người sưu tập Chúng tôi là những cư sĩ đã bất hạnh không được tu tập đúng chánh pháp –mấy chục năm tu học và hành trì đủ mọi pháp môn, từ Tịnh, sanh Mật, rồi qua Thiền. Khi đọc Kinh, thấy “Như thị ngã văn ...” thì tin là Kinh của Phật thuyết (nào ngờ một số Kinh đã được người sau sáng tác) , khi đọc các kinh sách của các bậc tôn túc và học giả uyên thâm (nhưng không phải hành giả) , thấy lý luận sắc bén, mạch lạc, có chứng cứ hẳn hòi thì ai cũng phải tin theo. Thế là chúng tôi cứ đọc, nhồi nhét thật nhiều để bàn thảo với bè bạn, chứng tỏ rằng mình “tu” nhiều, hiểu rộng. Không ngờ đó chỉ là “tưởng giải”, là “nhai lại đờm dãi của người xưa”, như Hòa Thượng Chơn Như đã nói.
Nói Thiền cũng chỉ là”khẩu đầu Thiền”, nói Tịnh mà tâm mình chẳng bao giờ tịnh, nói mình là Đại Thừa mà tâm địa hẹp hòi, nhỏ nhen hơn người Tiểu Thừa, tu tập lâu năm mà Tham, sân Si vẫn còn đủ, ngã mạn càng cao ... Nghĩ lại càng thêm xấu hổ.
Bây giờ, sau khi đọc thật kỹ, suy nghĩ và hành trì theo pháp môn Nguyên Thủy do hòa Thượng Chơn Như giảng dạy, triển khai, hướng dẫn tường tận, qua hai cuồn băng Thiền Căn Bản I, nhất là sau khi nghiền ngẫm đối chiếu sáu quyển Đường Về Xứ Phật, chúng tôi càng thấy thắm thía. Chúng tôi bắt đầu thực tập thiền xả tâm (thay vì ức chế tâm) “ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện ” (Tứ Chánh Cần).
“Thiền xả tâm là một thứ thiền tu hành trong bất cứ oai nghi nào cũng đều giữ gìn thân được khinh an, và tâm được thanh thản, an lạc, vô sự. Thiền xả tâm là một thứ thiền tu hành có giải thoát liền, càng tu càng cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an ổn..” (NLPD / 154 -158) Chúng tôi tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, và Định Vô Lậu một thời gian (theo kinh Tứ Niệm Xứ) thấy thân tâm an lạc, thảnh thơi, không còn lo âu, phiền muộn như trước. Pháp Như Lý Tác Ý (trang 13-15) tuyệt vời như thế mà xưa nay chúng ta chưa từng nghe thấy. Chúng ta đã xem thường kinh Nguyên Thủy, vì cho rằng Tiểu Thừa là ích kỷ, vì sau khi chứng A La Hán là nhập Niết Bàn, còn người Đại Thừa thì phát tâm Bồ tát “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Tai hại hơn nữa, chúng ta đã không biết, không thực hành được mà lại xem thường Tứ Thiền. Chúng ta đâu có ngờ là A La Hán cũng là bậc có từ bi, trí tuệ và giác ngộ như Phật .
Tập sách nầy chỉ là phần trích ra từ các sách của Hoà Thượng và sắp xếp theo chủ quan của chúng tôi. Xin quý vị hoan hỷ chỉ dạy thêm để được hoàn hảo hơn. Xin ị hãy cùng chúng tôi đọc nhiều lần, suy gẫm, rồi thực hành, quý vị sẽ thấy lời Phật dạy thật tuyệt vời. Vậy mà bấy lâu nay không có người hành trì và chứng ngộ như Phật và các đại đệ tử của Ngài, chỉ vì kinh điển của Đức Thế Tôn đã bị bóp méo, và “tam sao thất bổn”.
Thật là đại phước cho những ai có cơ duyên được gần gủi, tu tập trực tiếp với Hòa Thượng Chơn Như. Hòa Thượng đa thực tập hoàn toàn theo kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy và đã chứng ngộ Tứ Thiền, Tam Minh. Trước đó, Thầy đã bỏ ra gần hai chục năm trời tu tập đủ các pháp môn vẫn không có kết quả, không giải thoát sanh già, bệnh chết (chỉ được “tưởng tuệ” và kiến giải 1.700 công án mà thôi).
Để chấm dứt, chúng tôi xin trích lại đây mấy câu nói của Hòa Thượng Chơn Như:
“Nếu quý vị biết dùng pháp Như Lý Tác Ý, hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hàng ngày, hằng tháng, hằng năm, thì sự khổ đau sẽ không đến với quý vị, và sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Đây là pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời. Nếu siêng năng tu tập và giữ đúng giới luật, đừng vi phạm một lỗi lầm nhỏ nào, ăn ngủ, độc cư, sống trầm lặng một mình, thường biết sống nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì kết quả pháp hướng có đủ đạo lực điều khiển, truyền lệnh, làm chủ thân tâm (làm chủ nhân quả), giải thoát sanh già bệnh chết hoàn toàn”.
Kính chúc quý vị thực tập chuyên cần và đạt kết quả như nguyện.
Quận Cam
Mùa Xuân, năm 2000
Tâm Quang Từ Đắc