Bài kinh TỨ BẤT HOẠI TỊNH đức Phật dạy NIỆM PHẬT rất tuyệt vời, nhưng đến bài kinh này đức Phật dạy Niệm Phật là dạy chúng ta sống với đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành còn tuyệt vời hơn nữa. Bởi vì đức hiếu sinh là một tâm hồn cao thượng sẽ đem đến cho mình cho người và muôn loài vạn vật một tình thương chan hòa, một cuộc sống bình an yên vui, muôn loài không làm khổ cho nhau. Niệm Phật như vậy mới thật sự là niệm Phật. “NIỆM PHẬT LÀ BAN TÌNH THƯƠNG YÊU ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI”. Niệm Phật như vậy mới có đầy đủ công đức NIỆM PHẬT.
Đây quý vị hãy đọc đoạn kinh này thì mới biết đức Phật dạy niệm Phật như thế nào đúng, như thế nào sai:
“Thành La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo, thêm vào đó quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội án trước pháp luật. Đối với ông chưa có một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được.
Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng. Đức Phật dạy ông vài lời sơ lược:
“Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người”.
Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt.
Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy. Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật. Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì. Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại.
Nhờ thuật lại ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. “Nhớ Phật phải nhớ đến người khổ đau, tưởng Phật phải tưởng đến người khổ đau”. Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho.
Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi?
Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết của ông và uy danh của đức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong đức Phật mỉm cười hiền từ bảo:
Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó, để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó”. (Kinh Tạp Bảo Tàng)
Đọc bài kinh này quý phật tử đã hiểu biết niệm Phật như thế nào đúng và như thế nào sai. Chúng tôi đọc suốt trong tạng kinh NiKaya chúng tôi không thấy chỗ nào đức Phật dạy niệm Phật thầm đọc danh hiệu Phật như trong kinh DI ĐÀ phát triển cũng như kinh “TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM PHẬT” của các sư Nam Tông tưởng giải viết ra niệm 108 âm của 9 công đức của Phật. Sao các sư dám kiến giải sai lời Phật dạy như vậy mà còn viết sách lưu lại cho hậu thế , một việc làm tội lỗi rất lớn đối với Phật giáo các sư có thấy không? Chính những kiến giải ấy mà các sư có thấy ai tu chứng quả A La Hán chưa? Phật giáo bây giờ quý sư thầy đều vi phạm giới luật, chỉ có giới không ăn uống phi thời mà còn bẻ vụn tan nát huống là các giới khác.