THANH QUI TU VIỆN CHƠN NHƯ

LỜI NÓI ĐẦU

Tu viện Chơn Như có đường lối tu hành đúng theo Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật là Giới-Định-Tuệ, để đào tạo các tu sĩ có đủ tài đức, giới hạnh thanh tịnh, năng lực tròn đủ, làm chủ sanh tử, giải thoát tam độc tham, sân, si. Từ đó có đủ điều kiện phát huy con đường chấn hưng Phật giáo. Trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, người tu sĩ được rèn luyện qua hai giai đoạn: 1/. Giai đoạn Đức Hạnh (Giới Luật) 2/. Giai đoạn Thiền Định Để hoàn tất được giai đoạn đức hạnh, tu sĩ và cư sĩ phải thực hiện ba hạnh là: ăn, ngủ, độc cư, và ba đức là: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Các tu sĩ về đây tu tập, phải triệt để tuân theo Nội Qui của Tu Viện. Nội Qui của Tu Viện có mục đích giúp cho tu sĩ và cư sĩ sống trong khuôn khổ phù hợp với đạo giải thoát. Nói đúng hơn, Nội Qui là vị Hộ Pháp có đầy đủ oai lực để bảo vệ trọn vẹn những người tu hành đạt được sở nguyện của mình. Vì thế, không một người tu sĩ hay cư sĩ nào phát nguyện vào tu viện mà có thể xem thường Nội Qui. Khi tu sĩ hoặc cư sĩ vào Tu Viện sẽ được hướng dẫn qua Nội Qui với tờ cam kết có mẫu đính kèm. Mục đích của việc làm này là để tránh cho tu sĩ không bị những hiểu lầm đáng tiếc. Tu sĩ và cư sĩ phải tập sống trong tinh thần Lục Hòa, lấy 10 giới căn bản để giúp mình tiến tu trên đường đạo. Kính ghi Tu Viện Chơn Như ngày 24 -12 –2000

LỤC HÒA

1/. THÂN HÒA ĐỒNG TRÚ: Về phần thân, ăn, mặc, ở và công tác, tất cả những người tu hành ở Tu Viện đều hòa đồng với nhau, không có kẻ ăn mặc hàng lụa, người mặc vải thô. Thức ăn, nước uống cũng vậy, bình đẳng như nhau, không có kẻ ăn ngon, người ăn dở, kẻ ăn nhiều, người ăn ít. Chỗ ở cũng giống nhau, mỗi người ở một thất riêng biệt.

2/. KHẨU HÒA VÔ TRÁNH: Những người tu hành ở đây tránh nói chuyện càng nhiều càng tốt. Nếu có nói thì dùng lời lẽ ôn tồn, nhã nhặn để thưa hỏi.

3/ Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT: Người tu hành phải giữ ý, cùng nhau bàn bạc cẩn thận trước khi làm.

4/. GIỚI HÒA ĐỒNG TU: Tu sĩ và cư sĩ trong Tu Viện đều giữ 10 giới làm căn bản, và sống đúng nội qui.

5/. KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI: Tu sĩ và cư sĩ trong Tu Viện luôn sống trong nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

6/. LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN: Tất cả tài vật trong Tu Viện là của chung của những tu sĩ và cư sĩ đang có mặt, không ai có quyền giữ riêng cho mình.

MƯỜI GIỚI CĂN BẢN

Tu sĩ và cư sĩ trong Tu Viện phải giữ gìn 10 giới:

1/. KHÔNG SÁT SANH: Dù con kiến, con muỗi, con rận, con chí là những con vật cắn hại ta, ta cũng không giết, huống hồ là các chúng sanh khác. Tu sĩ và cư sĩ phải giữ gìn ý tứ khi đi đứng, nằm ngồi để tránh dẫm, đạp, làm đau khổ và giết hại chúng sanh.

2/. KHÔNG TRỘM CẮP: Tu sĩ và cư sĩ không lấy của không cho, không lượm của rơi, dù cây kim, sợi chỉ, cho đến tất cả những miếng ăn nhỏ mọn, như trái cây, bánh mứt, cục đường, hạt muối đều không trộm cắp. Thà chết đói chứ không lấy của người.

3/. KHÔNG DÂM DỤC: Không cười nói qua lại với người khác phái. Phải nghiêm chỉnh trong hành động, lời nói. Khi nói chuyện phải có nơi chốn, không đụng đâu nói đó. Những hành động nói chuyện nơi khuất lấp là nhân của ý dâm.

4/. KHÔNG NÓI DỐI: Phải thành thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Nói dối có lợi cho người còn chẳng nói, huống hồ là nói dối có lợi cho mình mà hại người khác. Cũng như nói dối có lợi cho Phật pháp còn chẳng nói, huống hồ là nói dối làm mất uy tín Phật Giáo.

5/. KHÔNG UỐNG RƯỢU: Tất cả những món ăn, thức uống làm cho người ta nghiện ngập như: rượu, cà phê, thuốc lá, bia, trà, thuốc phiện thì người tu sĩ và cư sĩ đều phải giữ gìn không được vi phạm giới cấm này. Nếu vi phạm, người tu hành sẽ mất hết phẩm cách đạo đức.

6/. KHÔNG DÙNG DẦU THƠM: Không xoa dầu thơm vào người, không tắm giặt xà bông thơm, lưu lại mùi thơm lâu. Không đeo đồ nữ trang. Không ăn mặc hàng lụa đắt tiền.

7/. KHÔNG NGHE CA HÁT VÀ TỰ CA HÁT: Để giữ tâm hồn thanh thản, an lạc, vô sự, tu sĩ và cư sĩ không được đọc báo chí, nghe tin tức trên radio, nghe băng nhạc ca hát, hay tự ca hát, vì âm thanh rất dễ khiến con người đam mê, gây xúc động tình cảm thế gian, làm bi lụy tâm hồn yếu đuối, thúc dục, kích động tâm dục, khiến con người hung hăng, tạo ác.

8/. KHÔNG NẰM GIƯỜNG CAO RỘNG LỚN, KHÔNG NẰM VÕNG ĐƯA TỚI, ĐƯA LUI: Người tu sĩ và cư sĩ trong Tu Viện phải giữ gìn ý tứ. Khi nằm, phải nằm nghiêng theo kiểu kiết tường, kín đáo và trang nghiêm. Phật chế giới thứ tám, cấm nằm ngủ lăn qua lộn lại, mất oai nghi, tế hạnh của người tu. Nằm võng đưa tới đưa lui cũng vậy.

9/. KHÔNG ĂN CHIỀU: Ăn chiều khó nhiếp tâm thiền định. Ăn uống là một trong năm thứ dục lạc. Ăn uống giản dị và điều độ bao nhiêu thì tu hành thiền định dễ bấy nhiêu và không phí thì giờ tu hành.

10/. KHÔNG GIỮ TIỀN BẠC NỮ TRANG: Giữ tiền bạc, nữ trang sẽ dễ dàng đắm nhiễm danh lợi, làm mất hạnh người tu sĩ. Vàng bạc còn sai khiến con người trở thành tên nô lệ vật chất. Người tu sĩ trong Tu Viện phải xem vàng bạc, châu báu là rắn độc, nó sẽ cắn và truyền nọc độc vào tâm, khiến người tu sĩ trở thành nô lệ. Và vì thế, sa ngã vào con đường tội lỗi, mất hết phạm hạnh.

 

HÌNH THỨC KỶ LUẬT KHI VI PHẠM 10 GIỚI TRÊN:

Nếu tu sĩ vi phạm một trong các giới trên thì sẽ bị cảnh cáo. Quá ba lần thì tự mình xin ra khỏi Tu Viện.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT THÊM:

1/. TRÁNH KHÔNG ĐƯA THÂN NHÂN VÀO THẤT: Nếu được phép thì tu sĩ hoặc cư sĩ sẽ được gặp thân nhân ở nhà khách. Tránh đưa thân nhân vào thất của mình để không làm xáo động sự yên tĩnh tu hành của người khác.

2/. TU SĨ KHÔNG ĐƯỢC LÉN LÚT ĐỂ NÓI CHUYỆN: Không được đến thất của nhau, không được đứng chỗ này, chỗ kia nói chuyện.

3/. THƯ TỪ SÁCH VỞ: Thư từ, sách vở và các liên hệ qua điện thoại cần phải báo cho người có trách nhiệm xem xét, để tránh các điều không hay xảy ra làm trở ngại sự tu hành của tu sĩ và cư sĩ.

4/. THỰC HIỆN ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN: Y áo vật dụng cho người tu sĩ và cư sĩ cần vừa đủ cho sinh hoạt hàng ngày dựa trên tinh thần thiểu dục tri túc.

5/. CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỆN NƯỚC: Khi điện nước có hư hao gì thì báo cho người có trách nhiệm biết để sửa chữa. Không được tự ý làm, tránh gây nguy hiểm cho mình và ảnh hưởng chung cho Tu Viện. Các tu sĩ và cư sĩ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác.

Nếu có vi phạm thì biết xấu hổ trong các lỗi nhỏ nhặt. Nhưng nếu không biết tự giác thì khi vi phạm một trong các điều trên sẽ bị cảnh cáo. Nếu cảnh cáo quá ba lần mà vẫn còn vi phạm thì tự mình rời khỏi Tu Viện. THỌ THỰC Tu Viện Chơn Như áp dụng chế độ ngày ăn một bữa. Mỗi ngày, từ 10 giờ đến 12 giờ là giờ thọ bát. Khi đi thọ bát phải ăn mặc chỉnh tề, nghiêm trang, đúng theo giới luật của khất sĩ, phải phòng hộ sáu căn. Khi đến sớt bát tại chỗ nhà cơm thì đọc bài Kinh Ước Nguyện của tân tỳ kheo. Trước và sau khi thọ thực đều phải đọc bài Kinh Ước Nguyện như trong tập sách “Thời khóa Tu Tập Trong Thời Đức Phật”. Sau khi ăn xong, rửa sạch mâm, đem trả lại chỗ cũ.

 

THỜI KHÓA BIỂU ÁP DỤNG CHO TU SĨ VÀ CƯ SĨ CHUYÊN TU

Tu sĩ và cư sĩ phải học tập và sống đúng theo thời khóa tu học tại Tu Viện. Mỗi ngày có bốn thời công phu chia ra như sau: Sáng: từ 7giờ đến 10 giờ Chiều: từ 2giờ đến 5 giờ Tối: từ 7 giờ đến 10 giờ Khuya: từ 2giờ đến 5giờ LAO TÁC, NGHỈ NGƠI: Sáng: từ 5giờ đến 7 giờ Chiều: từ 5giờ đến 7giờ Ngoài các giờ đó, các tu sĩ và cư sĩ nào muốn làm gì thì chỉ quanh quẩn nơi thất của mình, tránh làm xáo trộn đến các tu sĩ khác đang cần sự yên tĩnh để tu học. Trong giờ nghỉ, tu sĩ và cư sĩ có thể nằm nghỉ hoặc đi tản bộ quanh thất của mình. KHI CÓ VIỆC CẦN GẶP THẦY ĐỂ THAM VẤN Tu sĩ và cư sĩ đến gặp Cô Út, hoặc người có trách nhiệm để người này trình lại Thầy và sắp xếp giờ giấc tham vấn cho phù hợp. KHI BỊ ĐAU ỐM: Tu sĩ hoặc cư sĩ khi đau ốm, cần thuốc men để uống, Cô Út sẽ mời bác sĩ đến khám và kê toa thuốc.


ĐIỀU KIỆN NHẬP CHÚNG

Phải có giấy giới htiệu của Thầy Bổn Sư hoặc của Giáo Hội, nếu là tu sĩ. Phải có giấy chấp nhận của cha mẹ, nếu là cư sĩ trẻ. Phải có giấy chấp nhận của vợ hay chồng, nếu là cư sĩ có gia đình. Phải có giấy tạm vắng tại địa phương, nơi thường trú.

 ĐIỀU KIỆN XUẤT CHÚNG, RA KHỎI TU VIỆN

Tu sĩ và cư sĩ nào chưa đủ duyên tu học, hoặc là thường đau yếu, bệnh hoạn, chưa đủ năng lực theo tu thì có thể xin Thầy, hoặc tự Thầy cho mình về nơi thường trú riêng của mình để lập công bồi đức và tu học bình thường.

 

PHỤ LỤC

ƯỚC NGUYỆN CỦA TÂN TỲ KHEO KHI THỌ NHẬN THỰC PHẨM

Hôm nay con thọ nhận,

Của tín thí cúng dường,

Ước nguyện con tu tập,

Giới hạnh tròn nghiêm túc.

Không hề vi phạm lỗi.

Tâm ly dục, ly ác,

Không làm khổ mình, khổ người.

Xứng đáng đệ tử Phật,

Gương sáng cho mọi người,

Thắp lên ngọn đèn pháp.

Chấn hưng lại Phật Giáo,

Con xin Phật chứng minh,

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

ƯỚC NGUYỆN CỦA CỰU TỲ KHEO KHI THỌ THỰC

Hôm nay con thọ nhận,

Của tín thí cúng dường.

Ước nguyện con hồi hướng,

Cho tất cả mọi người,

Đều được hưởng như con,

Giới luật tròn thanh tịnh,

Không hề vi phạm lỗi,

Thường lìa dục, lìa ác.

Không làm khổ mình, khổ người.

Xứng đáng đệ tử Phật,

Gương sáng cho mọi người,

Thắp sáng ngọn đèn pháp,

Chấn hưng lại Phật giáo.

Ngưỡng xin Phật chứng minh

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

ƯỚC NGUYỆN TRƯỚC KHI THỌ THỰC

Hôm nay bữa cơm này,

Chúng con xin thành kính.

Cúng dường mười phương Phật,

Ba đời chư Hiền Thánh.

Tổ tiên và ông bà,

Cha mẹ cùng quyến thuộc,

Anh em cùng bạn hữu,

Nội ngoại cùng đôi bên,

Nhiều đời vô lượng kiếp,

Chúng con cũng cúi xin,

Cúng dường khắp pháp giới,

Chúng sanh và tất cả,

Hữu tình và vô tình,

Đều được hưởng cơm này,

No lòng như chúng con.

Để rồi quyết chí tu,

Giải trừ tâm ác độc.

Tăng trưởng hạnh từ bi,

Thương xót khắp quần sanh,

Thể hiện pháp thiền định,

Ra khỏi nhà sanh tử.

Làm chủ đường luân hồi,

Báo đáp bốn trọng ân,

Giữ gìn ngôi Tam Bảo,

Cửu trụ mãi muôn đời.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Sau khi đọc thầm lời ước nguyện kính dâng lên lòng thành kính biết ơn của mình, người tu sĩ ăn ba miếng cơm lạt:

1/. Miếng thứ nhất, ước nguyện: Ly dục, ngăn ác diệt ác pháp.

2/. Miếng thứ hai, ước nguyện: Sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp.

3/. Miếng thứ ba ước nguyện: Tất cả chúng sanh đều ly dục, ly ác pháp, không làm khổ mình khổ người.

THỌ THỰC XONG ĐỌC BÀI NHỚ ƠN

Nguyện thọ bữa cơm này,

Con xin mãi nhớ ơn,

Người nông phu khó khổ,

Kẻ dệt cửi nhọc nhằn,

Giọt mồ hôi nước mắt,

Làm ra của cúng dường,

Người đàn na thí chủ,

Vì Phật pháp trường tồn,

Chẳng nề công khó khổ,

Kính ngưỡng cúng dâng lên

Chúng con nguyện giữ gìn,

Tiết kiệm từng chút một,

Chẳng dám phung phí phạm,

Ngày một bữa nuôi thân,

Chẳng dám ăn phi thời,

Vì phi thời phí phạm,

Như ăn thịt con mình,

Chúng con nguyện hết sức,

Năng nổ siêng tu hành,

Giải thoát thân tâm mình,

Làm chủ đường sanh tử,

Đền đáp ơn chư Phật,

Ơn sanh thành dưỡng dục,

Ơn đàn na thí chủ,

Chúng con cũng thành tâm,

Ước nguyện cho tất cả,

Đều được hưởng Phật Pháp,

Tâm li dục, li ác,

Không làm khổ mình, người.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật