(27-3-2006)
Sau thời gian giải thể lớp học, giải thể có nghĩa là chọn ra những người có khả năng tu chứng chứ để đông quá Thầy không làm sao hướng dẫn cho tất cả đạt được kết quả. Cho nên giải thể nhưng thật ra là chọn người tu. Thầy mong những người được chọn cố gắng nỗ lực tu. Bên nam chắc cũng được một hai người đạt kết quả. Thầy mong bên nữ các con cố gắng hơn để trong số những người nữ cũng có người tu tập được để thay Thầy hướng dẫn cho người khác. Một lớp học đông đúc quá thì bị động nhiều, hết chuyện này tới chuyện kia do đó vừa động mình vừa động người khác, tu không kết quả.
Sau một tuần lễ tu tập nay gặp lại Thầy hãy cho Thầy biết các con tu tập được những gì, chưa được những gì. Nhưng Thầy nhắc rằng Phật pháp rất dễ dàng, không khó khăn, chỉ tại ta quá cố gắng tu tập mà tu tập sai, chứ không khó gì cả bởi vì các con hãy nghe đức Phật nói, lời nói rất đơn giản: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Vậy tâm không phóng dật là cái gì? Đó là lúc nào tâm cũng quay vô ở trên thân của nó, nó biết thân rung rinh, động đậy; nó biết thân di chuyển như thế nào như thế nào một cách rõ ràng.
Các con đọc lại tập 7 Đường Về Xứ Phật, đức Phật nói “Đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, nói, nín, mặc y, mang bát... tất cả mọi hành động của thân chúng ta đều biết rất rõ ràng”. Như vậy khi đi thân chúng ta rung động như thế nào chúng ta đều biết thì đó là trên thân quán thân. Còn bây giờ các con cố gắng tập trung trên thân để quán thân thì các con biến nó thành pháp ức chế tâm. Hãy để tự nhiên mà nó đi vào thì lúc bấy giờ tâm không phóng dật, lúc nào tâm cũng quay vô nhìn thân của nó rung động thôi. Đơn giản như thế mà các con không hiểu rồi cố gắng tập trung hết sức mình nhưng cuối cùng là sai, không đúng pháp. Không đúng pháp thì làm sao chứng đạt được.
Cho nên khi tâm chúng ta có niệm, thân chúng ta có chướng ngại thì chúng ta dụng pháp mà đẩy lui. Không có niệm, không bị chướng ngại thì thôi, tâm ở đâu hãy để nó tự nhiên ở đó. Các con muốn đạt kết quả thì phải giữ hạnh độc cư, ăn ngày một bữa, phá hôn trầm thùy miên tức là ngủ nghỉ giờ giấc đừng phi thời thì sự tu tập rất nhanh, không còn khó khăn nữa.
Trong những ngày gần đây, thầy Chơn Thành cũng hết sức nỗ lực tu, Mật Hạnh bỏ hết chuyện đời, thậm chí như điện thoại cũng giao lại, xả bỏ hết, để nỗ lực tu cho chứng đạt được. Thầy cũng mong sự nỗ lực tu như vậy phải được chứ không có khó gì. Thầy thường nhắc nhở “Tâm không phóng dật”, có bấy nhiêu thôi. Đức Phật cũng nhờ đó mà thành Chánh Giác. Các con cũng tu bấy nhiêu đó thôi. Có gì khó đâu, sống một mình, đừng đi tới đi lui các thất, ở trong thất của mình, có điều kiện gì, có tâm niệm gì, có chướng ngại gì thì xả. Xả hết thì được bình an; nhất là cơ thể các con đang mạnh khoẻ, không đau ốm thì dễ tu vô cùng. Những người bịnh tật là những người khó tu, những người mạnh khoẻ là những người dễ. Bởi bịnh tật là chướng ngại, ngồi thì bị đau nhức hay nằm thì khó chịu. Đó là những chướng ngại, mà chướng ngại trong khi chưa nhiếp tâm và an trú tâm, tâm chưa đủ lực thì đẩy lui rất khó khăn. Còn người nhiếp tâm và an trú tâm được thì đẩy lui rất dễ. Tâm không bị phóng dật trên cảm thọ, nên kết quả tu tập rất tốt.
Các con xét lại con đường tu của mình. Các con đi kinh hành, đi một cách tự nhiên, các con nghe thân rung động, rung chuyển dễ dàng; còn ngồi im lặng thì nghe hơi thở của mình, rồi cũng thấy thân rung động nhẹ nhàng. Đó là tâm quay vô, mà khi thường xuyên quay vô như vậy thì đó là thành tựu.
Bây giờ chúng ta đang tập tâm không phóng dật, tâm quay vô. Chúng ta nói cho nhiều chứ kì thật trên 4 Niệm Xứ trên thân quán thân thì cũng đó; mà khi xả hết tất cả các niệm thì nó cũng vào đó; mà giữ cho tâm không phóng dật thì cũng vào đó; mà sống độc cư, không nói chuyện với ai tâm không phóng dật thì nó cũng vào đó. Các con thấy tất cả mọi pháp đều quy tụ về tâm không phóng dật chứ có gì ngoài cái đó đâu. Cho nên không phóng dật thì nó thanh thản an lạc vô sự, nó luôn luôn biết thân nó rung động, rung chuyển rất rõ. Có vậy thôi, đâu còn gì khác.
Những cái này các con đều biết rõ hết rồi, bây giờ chỉ còn có công ra sức tu tập theo thời gian thôi. Khi tu tập xong thì các con có đủ đạo lực làm chủ sanh già bịnh chết của mình. Đó là thành quả trong con đường tu. Có như vậy thôi, không còn gì khác hết. Rồi cuộc đời quá đau khổ, mọi người đang đau khổ, người ta không biết đường để giải thoát, mình cố gắng soạn thảo những bài đạo đức làm người, dạy cho họ đạo đức để họ biết sống theo đạo đức không làm khổ mình không làm khổ người bằng hành động nhân quả thiện ác của họ, thế thôi. Chỉ làm bấy nhiêu là các con cũng đền đáp ơn Phật ơn Thầy rồi, không cần thêm gì khác.
Tu xong sớm chừng nào tốt chừng nấy. Và khi chúng ta tu được thì biết bao nhiêu người quá khổ, họ đi tìm con đường thoát khổ, chỗ nào tu không được họ đâu có tìm đến mà chỉ tìm nơi nào tu được thôi. Nhưng tu quá đơn giản chứ khó khăn gì đâu. Thầy ngồi chơi cũng thấy tâm luôn luôn ở trên thân chứ đâu có rời thân Thầy, rõ ràng là nó không phóng dật.
Mình ngồi chơi, ăn ngày một bữa, người ta cho gì cũng được. Trưa ôm bình bát đi khất thực. Cái gì cũng không còn quan trọng nữa, mà chỉ tâm không phóng dật mới quan trọng thôi. Do đó, đi mình cũng giữ gìn tâm không phóng dật; nhận cơm cũng giữ gìn tâm không phóng dật; về tới thất ngồi ăn cũng giữ gìn tâm không phóng dật; khi rửa bát rửa khay cũng giữ gìn tâm không phóng dật. Suốt ngày luôn luôn lúc nào cũng nhận thấy tâm mình biết tất cả mọi hành động đó. Mà biết hành động đó như vậy là tâm mình không phóng dật.
Thầy đã nhuận lại tập 7 Đường Về Xứ Phật, trong đó có đoạn dạy 6 điều cần tu tập trên thân để giữ cho tâm không phóng dật. Trước kia Thầy ghi lại y như lời đức Phật dạy thôi, Thầy không giải thích; nay nhuận lại thấy lời đức Phật dạy quá hay mà quá cô đọng người ta không hiểu nên Thầy giải thích những hành động đó thành oai nghi tế hạnh của người tu như thế nào để cho tâm không phóng dật. Thầy cố gắng để làm cho xong những điều này. Nếu có điều kiện xin được phép in phổ biến rộng cho người ta biết cách thức sống cho tâm không phóng dật.
Hôm nay Thầy nhắc nhở lớp học, chúng ta cố gắng tu tập đừng tập trung nhiều, đừng ức chế tâm mà phải cố gắng giữ gìn tâm không phóng dật. Nhưng giữ gìn không phóng dật thì xả tâm chứ cố gắng giữ nó thì bị ức chế trên thân.
Nhớ kĩ những lời Thầy nói thì các con tu tập rất tốt, không còn khó khăn nữa.
Khi ngồi, con cảm nhận được, không cần thấy rung nhưng khi hít vô thở ra cũng cảm nhận từ trên đầu tới chân từ chân lên đầu, mặc dù không thấy nó rung nhưng cũng cảm nhận được. Các con không dùng mắt quan sát nhưng dùng cảm giác của mình quan sát toàn thân. Tức các con cảm nhận thân thì biết các ngón chân, cũng biết cái đầu, tóc, mặt mũi của mình. Tức là mình cảm nhận, không thấy rung động nhưng cảm nhận được. Thí dụ Thầy ngồi đây nhìn ra như vầy mà Thầy cảm nhận được ngón chân của Thầy, rồi cảm nhận được cái mũi, cái trán, tóc của Thầy. Tức là từ dưới chân lên tới đỉnh đầu đều cảm nhận mà không cần phải thấy rung. Các con cứ ngồi lắng nghe coi có phải thế không, cứ cảm nhận, đừng nhìn nó. Các con cảm nhận cái chân, cảm nhận toàn thân, cảm nhận cổ, mặt, đầu. Không cần thấy rung mà vẫn cảm nhận được toàn thân.
Hôm nay Thầy nhắc nhở lại chỗ đức Phật dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hay là câu “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”, một tuần lễ trôi qua thì các con cũng biết được thân các con từ ngồi cho đến đi. Cái thân rung chuyển khi bước đi; vai nghiêng qua nghiêng lại; toàn thân rung chuyển. Rồi đến rung động của thân khi ngồi. Các con thấy rất rõ rồi. Bây giờ giai đoạn nữa là chúng ta cảm nhận thôi không cần thấy rung động. Thầy dạy các con lần lượt đi tới các con cảm giác toàn thân mà không cần sự rung động của nó nhưng chúng ta cũng thấy hơi thở rõ ràng nhưng không tập trung trong hơi thở. Hơi thở là thân hành mà đạo Phật thì lấy cái niệm cho nên chúng ta có cảm nhận toàn thân, chúng ta cũng nương vào hơi thở, cái thân hành đó để cảm nhận từng chút từng chút để chúng ta biết được, quán được cái thân rất rõ ràng mà không quên. chứ nếu chúng ta chỉ ngồi cảm nhận mà không nương hơi thở thì một lúc sẽ quên mất. Cho nên có chỗ nương tựa để nhớ trong tu tập.
Chúng ta tập dần bởi vì Thầy nói trên thân quán thân, các con tập cho nó quen; nó quen rồi mới tập quán; quán được rồi mới có tỉnh giác; tỉnh giác rồi nó mới định tỉnh; định tỉnh rồi mới nhu nhuyến dễ sử dụng. Các con tập dần, đừng nghĩ rằng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm mà chỉ nghĩ hằng ngày các con tu tập thôi rồi kết quả sẽ đến dù thời gian ngắn hay dài là do sự tu tập của các con chuyên cần hay không, giải thoát rồi là điều mừng vui lớn nhất.
Con nay đã tịnh chỉ hơi thở được 10 phút là điều rất tốt. Cơ thể con đã lớn tuổi rồi nên Thầy mới dạy con cách thức tịnh chỉ hơi thở để khi cơ thể sắp hoại diệt mà nó đau khổ, không thể nào con vượt qua được chỉ có tịnh chỉ hơi thở thôi. Nay con đã tịnh chỉ hơi thở được 10 phút thì quý quá rồi để khi ra đi con điều khiển được hơi thở rồi con tự tại từ biết đường mà không còn chướng ngại nào hết.
Thầy mong rằng đệ tử của Thầy làm chủ được sự sống chết chú không phải sự sống chết làm chủ mình. Mình muốn chết lúc nào chết, muốn sống hồi nào sống. Đó là hạnh phúc nhất của đời người. Có thân này là do nhân quả mà làm chủ được nhân quả để mình tự tại muốn chết hồi nào chết là hạnh phúc lắm. Con đã tu tập tịnh chỉ hơi thở từ một phút tới 5 phút, rồi hôm nay đưọc 10 phút. Tập dần dần cho đến khi hơi thở tịnh chỉ thời gian dài thì lúc chết mình ra đi tự tại lắm. Đó là cách thức làm chủ nhân quả.
Các con thấy chúng ta tu tập thực tế, không có chỗ nào có sự mơ hồ ảo tưởng cả mà đây là chúng ta sử dụng pháp Như Lí Tác Ý của Phật để làm chủ được sự sống chết. Các con thấy mình làm chủ được tâm của mình khi tâm có niệm các con dùng pháp tác ý đuổi thì nó đi ngay, khi thân các con đau bịnh cũng dùng pháp tác ý đuổi đi được, rồi bây giờ tới hơi thở các con tập cũng dừng lại được. Bằng chứng là hiện diện trước mặt các con cô Huệ Ân là người đã lớn tuổi thế mà tập tịnh chỉ hơi thở được lâu tới 10 phút chỉ trong thời gian vài tháng luyện tập kiên trì từng chút. Nếu một năm sau vẫn tiếp tục tu tiến như vầy thì sẽ dừng hơi thở được 30 phút thì lúc đó muốn chết là tự tại chết.
Đó, các con thấy tâm mình có chướng ngại, có đau khổ thì mình dùng pháp tác ý đẩy lui được, tức là mình trở về với sự giải thoát. Rồi thân mình có bịnh đau mình cũng dùng pháp tác ý đẩy lui bịnh đau được rồi. Bây giờ hơi thở mình muốn ngừng thì mình cũng ngừng được rồi. Như vậy chúng ta tu cái pháp của chúng quá cụ thể làm chủ được 4 sự đau khổ của chúng ta, đâu cần cái gì khác hơn nữa đâu. Hạnh phúc lắm. Thầy đem trao cho các con những pháp mà ngày xưa, đức Phật đã dạy cho các đệ tử của Ngài, cách nay mấy ngàn năm, đã bị chôn vùi mất đi, không còn ai biết đướng nữa. Hôm nay lớp học của chúng ta đã làm sống lại một cách thiết thực. Cô Huệ Ân là một người lớn tuổi mà đã nỗ lực tu tập thì cô cũng đã làm được, Thầy nghĩ các con còn trẻ tuổi cũng làm được chứ không có gì khó. Chỉ cần chúng ta quyết chí mà thôi. Đời người có gì đâu các con. Thân này vô thường, các pháp đều vô thường, chúng ta xin được một cái thất làm bằng tầm vông gốc tre, rồi chúng ta xin được một bữa ăn, chúng ta nỗ lực thì chúng ta làm chủ 4 sự đau khổ của kiếp làm người là hạnh phúc rồi. Chúng ta không cần gì nữa, bỏ hết đi, buông xuống hết, ráng cố gắng. Ngày ăn một bữa không chết đâu mà sống mạnh khoẻ.
-Kính xin Thầy giảng lại cho con biết thế nào là sự an trú.
Khi con ngồi yên mà không có một niệm gì khởi ra trong tâm con mà nó không có một chướng ngại gì trên thân con, tức là tâm con an trú. Tâm an trú là tâm không có niệm. Bây giờ con ngồi, con thấy toàn thân con từ đầu chí chân, thấy cái tâm quay vô quan sát cái thân, hoặc thấy hơi thở ra, vô tự nhiên mà trong khoảng thời gian một phút không có niệm gì xảy ra trong đó, con vẫn thấy duy nhất là tâm con thấy được thân, nó quay vô trên thân nó. Đó là một phút an trú. Mà hai phút thì được hai phút an trú; ba phút thì được ba phút an trú... mười phút thì được 10 phút an trú, tức là nó không có niệm. Còn nó có niệm trong mấy phút đó nhưng con vẫn thấy được cái thân của con, con vẫn quán được thân con tức là con chỉ mới nhiếp tâm trên thân con thôi chứ chưa an trú. An trú là không có niệm, không có chướng ngại. An có nghĩa là an ổn. Trú có nghĩa là ở rất an ổn trên thân con. Tức là tâm con an ổn trên thân con, gọi là an trú trên thân. An ổn kéo dài một thời gian thì có an trú.
Có trường hợp như sau, các con phải chuẩn bị để đối phó: Khi tâm được an trú như vậy rồi, mà hay quên, không nhớ. Đây là một cái khó, coi chừng bị lọt vô trong Thiền Tông bị vô phân biệt. Nó không nhớ gì cả. Thậm chí câu tác ý mà nó cũng không nhớ. Nó không là không thôi, nó không niệm rồi nó không nhớ nữa, nó không phân biệt. Lúc bấy giờ các con phải sử dụng pháp Như Lí Tác Ý “Tâm phải bình thường. Nhớ lại tất cả những sự việc gì xẩy ra, Thầy nói gì phải nhớ hết, nhưng tâm không phóng niệm, không phóng dật mà thôi” để cho tâm các con khởi niệm nhớ lại. Chứ không, các con tu riết bị lẫn lộn, quên hết thì làm sao được, khi không niệm rồi nó lẫn luôn, quên luôn.
Thầy mong tất cả mọi người tu rất tự nhiên, đừng quá ức chế, quá gò bó; đừng thấy có người khác tu được rồi mình ham, cứ nghĩ tâm không phóng dật là thành chánh giác bắt chước theo Phật, nhưng không vì không phóng dật mà ức chế để không phóng dật mà mình phải sống tự nhiên, đi bết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi. Nhưng đi, đứng, nằm, ngồi đều biết thân rõ ràng, tâm mình biết thân từ đầu tới chân, mỗi hành động đều biết rõ ràng.
Đó là đủ rồi. Không ức chế chỗ nào hết.
Khi ngồi chơi tâm thanh thản an lạc vô sự thì nó ở trên thân, nó niệm gì thì mặc nó, mình chỉ tác ý đuổi nó đi thôi, không có gì hết. Cứ ngồi chơi mà đuổi giặc. Đuổi đến chừng giặc không còn thì đất nước độc lập, giặc không bén mảng thì nước nhà thịnh trị. Bấy giờ mình muốn thân làm gì thì nó làm theo nhưng đừng có sai nó làm theo lối khùng, nói lặp bặp hay múa may thì không được. Vậy thì các con phải tu cho đúng, lúc nào chúng ta cũng thấy chúng ta an trú được và vui vẻ. Nhất là sau một thời gian chỉ một tuần thôi, các con thấy thích thú sống một mình, không muốn nói chuyện. Rồi tuần thứ hai thấy thích một mình, không ưa ai tới gần mình. Đó là có tiến bộ. Thích sống một mình, đó là tiến bộ. Rồi tuần thứ ba cho đến 4 tháng các con sống biệt trú như vậy, chừng đó các con thấy kết quả lớn lắm. Sống biệt trú mà thấy vui thích.
Những tuần lễ vừa qua, Thầy đang theo dõi thầy Mật Hạnh, tuần đầu thấy đóng cửa; tuần thứ hai, đóng cửa. Cô Út mua cho một bộ y áo cư sĩ, thầy Mật Hạnh vui vẻ mặc. Đó là Mật Hạnh đã quay lại sống tu. Nếu từ đây cho đến 4 tháng sau Mật Hạnh sống độc cư trong thất, không cần thiết gì thì tự làm động, cứ sống một mình nghiêm chỉnh giờ nào ra giờ nấy trong suốt 4 tháng liền là con đường tu chắc chắn không còn lâu. Cho nên chúng ta cố gắng nỗ lực tu thật tu. Hồi còn đi ra ngoài thì Mật Hạnh lăng xăng đủ thứ những chuyện bên ngoài, nhưng khi vào tu thì thật sự tu. Theo Thầy thấy trong những này đầu rất khó vì từ chỗ lăng xăng ở ngoài đời chuyển vô chỗ độc cư thầm lặng sống rất khó, những tâm niệm đánh mình tan nát. Nhưng nỗ lực sống được trong mấy tuần lễ qua là điều tốt. Nên cố gắng càng cố gắng nhiều hơn thì sự tu tập ngày càng tốt.
Các con cũng thế, người nào có đủ duyên thì hãy tu trong thất, đừng đến thất ai hết, không nói chuyện với ai hết, xem coi tâm mình có sống an vui một mình không. Đó là điều quan trọng. Tâm chịu sống một mình thì nó bắt đầu không phóng dật. Nếu nó không chịu thì nó bày đủ thứ như săn sóc thất sạch, dọn dẹp thứ này kia, nhỏ cỏ, trồng cây... Tâm không chịu sống một mình thì con đường tu lâu lắm. Ngược lại khi nó chịu thì nó sống một mình nó ngồi chơi mà không làm gì hết.
Thầy theo dõi đệ tử của Thầy từng chút. Người nào còn làm này kia thì đường tu người đó còn lâu. Còn người nào ngồi trong thất chơi một mình mà không ngủ thì người này tốt, xứng đáng là đệ tử của Phật, của Thầy rồi. Sống như Phật rồi, cho nên ngồi trong thất mà không ngủ, ngồi chơi một mình đó là tu tốt. Qua cái hạnh đó mà xét thấy người đó tu được hay không một cách rõ ràng. Ai ở trong thất mà thấy buồn khổ quá, rồi sanh ra chuyện này chuyện kia thì người đó còn lâu mới vào được lớp 4 Niệm Xứ. Vậy các con tự xét qua những điều đó để biết mà tu tập. Thầy nghĩ rằng các con biết như thế nào là tu đúng thì nỗ lực tu tập cho được, đừng để thời gian qua uổng phí.
Bây giờ có ai cần hỏi Thầy gì không?
- Cảm giác mát ở chỗ nào trên đầu con cũng chỉ là cảm thọ, đừng quan trọng nó. Con tác ý “Thân phải bình thường, tâm không phóng dật”. Các trạng thái nào tới cũng không lưu tâm. Đã là cảm thọ thì dù nó là lạc, khổ hay bất lạc bất khổ đều không được chấp nhận trên con đường tu 4 Niệm Xứ. 4 Niệm Xứ chỉ biết quán thân trên thân thôi. Tâm không phóng dật thì luôn ở trên thân thôi. Đó là đúng pháp. Có gì đến trên thân mặc dù biết nhưng không chấp nhận, đuổi đi. Tất cả mọi cảm thọ đều tác ý đuổi đi. Con đang tu tâm xả thì tất cả trạng thái gì an lạc hay không an lạc đều tác ý xả chỉ giữ tâm thanh thản bất động trên thân của mình thôi, là trên thân quán thân thôi.
Mình tuỳ thuận là ai làm gì cũng được nhưng không để bị lôi cuốn. Nếu con trở về sống trong gia đình mà theo lối sống của gia đình thì không đúng với hạnh của người tu, đó là môi trường sống theo dục lạc, nếu con thích nghi với gia đình thì hết tu rồi, tức là con chạy theo dục lạc trở lại. Còn chấp nhận dục lạc, còn chạy theo dục lạc là còn đau khổ, không làm chủ được sanh già bịnh chết. Đó không phải là môi trường của người tu ở, không phải là con đường giải thoát, phải tìm nơi phù hợp với người tu.
Hiện giờ đang lo cho có người tu được thay Thầy đứng lớp dạy. Các con hãy nỗ lực tu để giúp mình giúp người. Thầy mong trong lớp chúng ta phải nỗ lực tu, chết bỏ, nghĩa là thà chết trong giới luật chứ đừng sống phạm giới phá giới. Quyết tâm cho mạnh mẽ. Đời chỉ là con số không, chết rồi chẳng có gì.
Hãy nỗ lực tu. Thật sự tu rất dễ, đừng ức chế, có chướng ngại pháp thì xả.
Nhớ lời Thầy dạy thì các con tu không sai đâu. Cứ ôm thất, ở trong thất mà chơi một mình đi, rồi nó sẽ tới. Các con đừng đi ra ngoài, đừng nói chuyện, đừng làm gì hết, ai làm gì cũng mặc, mình chỉ lo tu cho riêng mình. Như vậy kết quả mau tới. Đừng lo chuyện người khác, lo cho người khác khi mình tu chưa xong. Thầy khuyên thầy Chơn Thành, thầy Mật Hạnh đừng lo chuyện người khác mà hãy lo cho chuyện tu của mình đi. Tu xong sớm chừng nào tốt chừng nấy. Đó là tiếng nói chung của Phật giáo và cũng là hình ảnh chấn chỉnh lại được Phật giáo khi có một người tu làm chủ được sanh già bịnh chết.
Ở đây cô Huệ Ân tịnh chỉ được hơi thở 5, 10 phút cũng là một tiếng nói rất lớn. Một người già 88 tuổi như cô Huệ Ân mà làm chủ được hơi thở như vậy là có mọt giá trị rất lớn, nhưng chưa đủ. Cô Huệ Ân và các con phải tiếp tục cho đạt được nội lực có đầy đủ thì chúng ta có đủ sức chuyển biến làm tốt lại Phật giáo giúp mọi người hướng về chánh pháp của Phật, các con thay Thầy đứng lớp dạy.
Ở đây có một số quý thầy ở trong thất tu một mình không tiếp xúc ai nhưng rồi chỉ một thời gian có chuyện hay kiếm chuyện để rời tu viện ít hôm.
Cứ đi ra đi vô như vậy thì làm sao tu được. Thầy thấy rất uổng, rất tiếc cho họ và biết rằng họ tu không tới đâu.
Thầy nói cuộc đời con người không bao giờ vô sự được, nó luôn luôn hữu sự. Nếu chúng ta không dẹp nó thì hữu sự muôn đời cho đến khi chúng ta chết nó mới hết. Nhưng nó hết trong đời này trong thân này chứ trong thân khác nó tiếp tục hữu sự nữa chứ nó đâu có hết luôn. Cho nên sự tu tập của đạo Phật là phải vô sự. Thầy nói “tâm thanh thản an lạc vô sự” mà hầu như cái vô sự đó thì không thấy ai có. Vô sự thì ngồi trong thất chơi không làm gì hết mới gọi là vô sự. Các con cố gắng đi sẽ thấy cái vô sự các con tuyệt vời. Ở trên đời này các con thấy mọi người như con ong, con kiến lăng xăng còn mình ở trong thất ngồi chơi.
Nếu các con thật tu, tu tốt thì Thầy sẽ tổ chức đi Hòn Sơn để các con có dịp thăm lại cho biết nơi xưa kia Thầy tu trong những năm tháng của Thầy tu khổ hạnh.