BÀI THỨ SÁU: DẠY LỚP TU SINH NỮ

(Ngày13.3.2006)

Trong sự tu tập, khi các con vào lớp Chánh Tư Duy thì có hai ngả để xả tâm. Ngả thứ nhất là tu tâm xả, ngồi chơi mà xả hết những niệm, những chướng ngại gì đến trong thân tâm của các con bằng pháp xả. Về pháp xả, trong lớp Chánh Kiến các con đã biết cách xả niệm bằng pháp tác ý khi các con biết niệm đó, bằng không thì phải tư duy quán xét theo cách đã học ở lớp Chánh Kiến, xả bằng tri kiến giải thoát của các con.
Ngả thứ hai thuộc lớp quán thân theo 4 Niệm Xứ thì cao hơn nên khó khăn hơn vì vậy mà sau một thời gian Thầy kiểm lại thì thấy lớp Chánh Tư Duy, đi vào trên thân quán thân, hầu như tất cả các con quán sai nên không nhiếp phục được tham ưu trên thân thọ tâm pháp của các con. Vì vậy hôm nay Thầy gởi cho các con bài Căn bản Quán Thân Trên Thân tu theo 4 Niệm Xứ và đồng thời bảng Đường lối tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy tóm lược từ quán thân theo 4 Niệm Xứ cho đến Thân Hành Niệm và tất cả những gì ở trong đường lối tu tập để các con không bị sai lệch. Nếu các con tu tập đúng thì chỉ trong một thời gian ngắn là thành tựu, còn tu tập sai thì nay có niệm, mai thì có hỉ lạc bằng cách này hay cách khác do các con không giữ một mực quán đúng. Thí dụ như trên thân quán thân thì các con giữ cách quán như thế nào để trong khi đi, khi đứng, khi nằm hay khi ngồi cũng đều có cùng một cách quán giống y nhau, chứ không phải khi thì các con chuyển pháp luân bằng cách chạy từng chút từng chút, hoặc có khi các con chỉ quán có một phần thân, hoặc các con nương vào hơi thở hoặc nương vào nhịp tim hay cơ bụng. Tất cả những cách đó đều sai.
Trong bài Căn bản quán thân theo 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, Thầy nhắc nhở cái biết thân của các con như một ngọn đèn pha soi vào thân các con qua sự cảm nhận, qua cái thấy. Thí dụ trước tiên các con dùng mắt để thấy thì thật sự thấy từ đầu tới chân một lượt như đèn soi vào một vật. Trong sự tu tập giai đoạn quán thân theo 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, trên thân quán thân, nếu các con soi được như vậy thì không thể có một chướng ngại nào có thể tác động vào, vì vậy đức Phật nói “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu” tức là nhiếp phục tất cả mọi chướng ngại trên đó hết khi quán được thân, chứ không phải quán thân theo kiểu 4 Chánh Cần. Trên 4 Chánh Cần thì các con quán trên thân có chướng ngại như vầy, tâm có niệm thế kia, khi đó các con dùng một trong 4 loại định để quán xét xả như Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở. Đó là các con tu 4 Chánh Cần trên 4 Niệm Xứ chứ chưa phải 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ. Khi các con tu trên thân quán thân các con thấy những chướng ngại trên đó các con dùng những phương pháp khác để ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện, đem lại sự bình an cho thân tức là các con tu 4 Chánh Cần. Phân biệt rõ như vậy để biết các con đang tu ở giai đoạn nào.
Các con có hiểu rõ, tu mới có kết quả chứ không thì tu sẽ sai. Trong khi tu 4 Chánh Cần trên 4 Niệm Xứ là để khắc phục những phần thô của tham sân si còn phần vi tế của tham sân si ở trên thân tâm của các con sẽ dùng 4 Niệm Xứ để gạn lọc. Ở giai đoạn này nhờ sự tỉnh thức trên thân của các con tức là quán thân trên thân thì nó sẽ nhiếp phục tất cả những vi tế chướng ngại ở trên thân cho nên gọi là nhiếp phục tham ưu. Tự nó nhiếp phục chứ các con không dùng pháp nào khác nữa hết, chỉ dùng quán thân trên thân mà thôi.
Vậy các con hãy đọc tập căn bản nhất của quán thân theo 4 Niệm Xứ, người nào trên thân quán được thân thì nên tu 4 Niệm Xứ. Còn người nào không quán thân trên thân được có nghĩa là giờ thì quán như thế này, lát nữa thì quán khác, như vậy là không quán thân được, thì hãy trở về tu xả tâm vô lượng. Nghĩa là bây giờ các con không trở về lớp 4 Chánh Cần ngăn ác diệt ác nữa mà các con phải ở trên xả tâm vô lượng bởi vì trải qua một thời gian rất dài các con đã tu ngăn ác diệt ác trên 4 Chánh Cần rồi. Hiện giờ vẫn còn nhiều phần thô hay phần vi tế mà các con quán thân không được là bởi các con chuyển pháp luân trên thân của các con. Tức là các con quán mà thấy từng phần đầu, ngực, bụng, chân... đi từng phần rồi chạy lên chạy xuống, như vậy là chuyển pháp luân. Đó là sai, không đúng.
Nếu các con đi mà thấy sự rung động toàn thân rất dễ, có ai trong các con biết cách thức đi để nhận ra toàn thân của mình không? Thật ra không có gì khó khăn bởi đức Phật đã trang bị cho chúng ta những đề mục để chúng ta quán thân. Như trong những đề mục Định Niệm Hơi Thở thì đức Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đó là đề mục để chúng ta nhận ra cho được cảm giác toàn thân của chúng ta. Đức Phật muốn cho chúng ta tu quán thân theo 4 Niệm Xứ nên trên Định Niệm Hơi Thở đã chuẩn bị đề mục thứ 1 đến đề mục thứ 5, chúng ta thấy rất rõ. Đề mục thứ nhất “hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” mà Thầy đã dạy cho các con căn bản một phút nhiếp tâm và an trú tâm.
Thầy đâu dạy các con tu lâu, chỉ một phút thôi, nhưng phải nhiếp tâm và an trú tâm cho được. Nhiếp tâm và an trú tâm một phút được là các con sẽ cảm giác toàn thân của các con rất dễ, mà Thầy nói như thể các con đứng trên chòi canh, tháp canh cao nhìn xuống toàn diện thì các con thấy rất rõ. Không phải trụ trong hơi thở mà nhiếp trong hơi thở. Các con ở trên hơi thở mà nhìn thân của các con nên các con không bị kẹt trong hơi thở. Trước khi chúng ta tu 4 Niệm Xứ, đức Phật đã trang bị cho chúng ta trước những đề mục đó. Trên Định Niệm Hơi Thở có những phương pháp, những cách thức để khi trở về với 4 Niệm Xứ thì chúng ta biết cách mà quán thân trên thân.
Thường thường những phương pháp của đức Phật kết nối rất chặt chẽ, nó như chân rít, pháp này liên hệ với pháp khác, cho nên đức Phật nói pháp này là thực phẩm cho pháp kia. Hằng ngày mình sống tu tập pháp này cũng giống như ăn thực phẩm thì mình mới có pháp kia. Nó kết nối chặt chẽ, nó như chân rít cho nên rất cụ thể và rõ ràng. Khi chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở thì đâu có nghĩa hơi thở đưa chúng ta đi đến cứu cánh, nhưng những đề mục hơi thở đó chuẩn bị giúp cho chúng ta tu trên 4 Niệm Xứ tức là quán thân trên thân. Đó là những đề mục đầu tiên, còn những đề mục như “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”; “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” hay quán li tham, quán li sân, quán li si... là để giúp cho chúng ta phần ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Nó rõ ràng quá chứ!
Cho nên Định Niệm Hơi Thở dạy chúng ta hai phương pháp, một phương pháp giúp cho chúng ta ở trên 4 Chánh Cần mà tu tập và một phương pháp giúp chúng ta ở trên 4 Niệm Xứ mà trên thân quán thân. Cho nên người nào tu mà nghe lời Thầy, tu căn bản nhất thì đến khi trở về với 4 Niệm Xứ thì rất dễ vì các con đã từng nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút, chỉ một phút thôi, các con nghỉ 3, 4 phút rồi các con tu lại một phút. Cứ tu như vậy và phút nào nhiếp vô các con cũng thấy giống y như vậy, chứ không phải một phút mà lúc này thì thở hơi thở này lát nữa một phút khác lại thở hơi thở khác, nghĩa là hơi thở dài thì lúc nào cũng dài dài mà hơi thở ngắn thì lúc nào cũng ngắn cho nên đức Phật nói “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài” hay “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn”. Nếu các con thấy các con nhiếp được trong hơi thở dài và an trú trong hơi thở dài thì lúc nào cũng là hơi thở dài. Còn nếu các con thấy các con nhiếp tâm và an trú tâm được trong hơi thở ngắn thì các con nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở ngắn; đừng có lúc dài lúc ngắn, mà lúc nào các con cũng nhận thấy hơi thở các con nhiếp được chỉ một loại thôi thì các con đã chủ động được sự tu tập của mình và khi bước qua quán thân theo 4 Niệm Xứ thì các con quán thân rất dễ dàng.
Hôm nay Thầy sẽ đi kinh hành để các con nhìn thấy sự quán thân trên thân một cách cụ thể rõ ràng. Nó có những cách thức của nó. Để đi kinh hành mà quán thân thì thân chúng ta có sự rung động đều đặn nghiêng qua nghiêng lại, nghiêng tới để bước đi. Bước đi của các con mới đầu đi nhanh, nhưng không có nghĩa là quá nhanh để các con kịp cảm nhận toàn thân của các con theo nhịp bước đi, rồi kế đó các con đi chậm dần để khi đi chậm vậy các con mới có sự cảm nhận thân được liên tục từ chỗ di chuyển qua chỗ đứng lại rồi ngồi xuống dễ dàng mà không bị mất, không bị gián đoạn cái quán thân. Nếu đi nhanh rồi các con phải đứng lại rồi các con ngồi thì cái quán thân sẽ bị gián đoạn chỗ đứng làm cho các con bị mất đi chỗ quán thân của các con.
Pháp quán thân có nghĩa là tâm không phóng dật mà các con thường nghe trong kinh Phật nói “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nghĩa là tâm chúng ta luôn luôn quán trên thân nó tức là nó không phóng ra ngoài, đó là không phóng dật. Nó không phóng dật cái quán thân được một thời gian thì nó sẽ định tỉnh, nó bám chặt trên thân nó, không còn rời ra, cho nên nó định tỉnh. Định tỉnh như nó có rễ mọc trên đó. Nó định tỉnh thì nhu nhuyến dễ sử dụng, nhờ thế 7 năng lực giác chi xuất hiện. Tâm có 7 năng lực Giác Chi cho nên nó nhu nhuyến dễ sử dụng, muốn làm gì thì có nấy, đó là nó có đủ 4 Thần Túc. Cho nên đức Phật mới dám xác định tu 4 Niệm Xứ 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Nhưng chúng ta tu đúng thì chỉ trong 7 ngày hoặc 7 tháng là cao chứ đâu tới 7 năm.
Đó là nói phòng ngừa thôi chứ sự thật ra khi tâm chúng ta không phóng dật, định tỉnh trên thân của chúng ta được thì lúc bấy giờ nó có đủ thần lực.
Khi có đủ thần lực thì chúng ta đâu cần gì phải tu nữa, chúng ta làm chủ được sanh già bệnh chết rồi, như vậy chúng ta đã tu xong đâu có gì cần tu nữa. Tức là khi tâm định tỉnh trên thân của nó thì đương nhiên lúc nào nó cũng nhiếp phục những ưu phiền trên thân và tâm của nó rồi. Do đó nó sẽ như thế nào?
Nó sẽ thanh thản an lạc vô sự. Mà trạng thái thanh thản an lạc vô sự là chơn lí của đạo Phật, như vậy chúng ta đã chứng đạt chơn lí rồi.
Nó cụ thể rõ ràng chứ đâu phải khó khăn gì. Còn bây giờ các con cứ tu lúc thì vầy, lúc thì khác, lúc thì buồn ngủ. Đã quán thân thì làm sao các con còn buồn ngủ được? Trên thân quán thân nó tỉnh táo như vậy thì làm sao buồn ngủ được! Các con nhiếp tâm và an trú được trong hơi thở một phút thôi, thì cái buồn ngủ sẽ chạy mất tức khắc. Bây giờ Thầy buồn ngủ này, Thầy nói nhất định phải nhiếp tâm trong một phút, rồi Thầy nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút thì cái buồn ngủ sẽ chạy mất tức khắc. Phương pháp như thế mà các con tu không đạt được cho nên cứ gục tới gục lui, chỉ còn ráng đi kinh hành để chống buồn ngủ. Còn ngủ tới ngủ lui thì các con thấy như thế nào? Như vậy là không căn bản, thiếu căn bản trong sự tu tập. Thiếu căn bản trong sự tu tập thì không biết chừng nào các con mới đạt được cứu cánh, dù các con tu trong thời gian dài.
Thật sự ra Thầy thấy trong sự tu tập, các con có gắng công nhưng tham tu cho nhiều giờ mà quên căn bản là các con tu tập cái gì cũng phải đạt cho được chất lượng căn bản của cái đó, nhờ vậy mà tín lực càng ngày càng tăng lên bởi có kết quả. Còn các con tu cứ dậm chân tại chỗ mãi sanh ra các loại tưởng làm cản trở đường đi của các con làm các con thối chuyển. Cái khó khăn của Thầy trong việc hướng dẫn cho các con tu là các con không thấy được cách căn bản quán thân trên thân.
Đức Phật đã trang bị “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hoặc là “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi đang đi kinh hành”, nghĩa là đang đi kinh hành thì phải cảm nhận cho được sự rung động của thân. Bây giờ các con lưu ý nhận xét trong khi Thầy thực hành bằng không thì không thể nào biết cách thức tu tập. Khi đi có thể để tay sau lưng hay bắt tay trước bụng. Khi bước đi cảm nhận cho được cái thân; khi dở chân lên, đưa chân tới cũng thế. Cái chân này đưa tới thì nó rung động, các con cảm nhận sự rung động của nó: dở lên, đưa tới, để xuống. Cái thân phải nghiêng, khi chân bên nay dở lên thì chân kia phải làm trụ đỡ thân.
Thân rung động chứ. Đến khi chân kia dở lên đưa tới thì thân nghiêng qua chân này và khi đẩy thân tới thì chân này dở lên. Thân đưa tới thì nó động đến trên vai trên đầu. Mỗi bước chân đều có nhiều rung động ở nhiều phần thân. Thân cứ lắc qua lắc lại. Đó là cách thức để các con quán thân. Nếu lúc nào các con cũng tập để chú ý quán thân hành của các con như vậy thì làm sao mà các con tu tập không được. Nó có phương pháp nó không trụ vào chỗ nào trên thân các con. Nó tương tự pháp thân hành niệm nhưng không tác ý từng hành động thôi. Cho nên từ pháp 4 Niệm Xứ này nó cũng được đủ cho các con có thần lực vì nó gần như thân hành niệm. Bây giờ các con ngồi trên ghế như vầy rồi “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Các con thấy sự rung động của thân chứ không phải thấy hơi ruồng vô trong thân. Khi ngồi như vậy để quán thân từ trên đầu xuống tới chân thì rất là tỉnh táo chứ không bị mờ mịt chỗ nào hết.
Bây giờ nói đến thời gian. Các con sức tu 10 phút thì tu 10 phút đừng tu đến 20 phút vì khi tăng lên 20 phút các con sẽ thấy có niệm vào tức khắc. Sức các con chừng nào thì tu như vậy để tập tâm quay vào cho được. Khi các con nói “Trên thân quán thân. Tâm phải quay vô quán thân” thì lúc đó thấy như nó từ trên đầu nhìn xuống. Nó có dạng như ở ngoài nó ngó vô, nhưng các con nhìn ra ngoài chứ các con không ngó vô bởi các con dùng mắt nhìn thì dễ nhưng sẽ ảnh hưởng đến các cơ con mắt, nó làm cho mõi mắt. Còn các con cảm nhận thì không mỏi mắt cho nên đức Phật không dạy chúng ta nhìn mà dạy chúng ta cảm nhận cảm giác “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đức Phật có kinh nghiệm quán.
Như bây giờ Thầy quán Thầy nhìn từ trên mặt nhìn xuống, như ngọn đèn nó chiếu trên thân của Thầy. Cái nhìn biết của Thầy như ngọn đèn chiếu sáng như vậy. Nó ngồi im như vầy nó nhìn. Nó không cần phải chạy tới chạy lui mà nó vẫn thấy từ đầu xuống chân. Nếu chúng ta nhìn bằng mắt thì khi nháy mắt có một khoảng quán của chúng ta bị đứt đoạn.
Các con cố gắng nỗ lực tập luyện quán thân theo 4 Niệm Xứ thì quán sẽ nhanh lắm. Còn nếu các con quán sai, quán lúc vầy lúc khác thì các con nên dẹp tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà trở về tu tâm xả, xả tâm vô lượng. Như Mật Hạnh dù không biết viết bài hay nhưng khi ngồi lại thì tất cả những tâm niệm khởi lên trong tâm như nhớ chuyện đi chơi chỗ này chỗ nọ, tiếp duyên người này người kia thì biết đây là dục, đây là ác pháp, đây là khổ đau, đem đến sự đau khổ thì không chấp nhận. Ở đây chỉ thanh thản an lạc vô sự thôi, chỉ tác ý đuổi đi rồi ngồi im lặng thì lúc bấy giờ cảm nhận thấy được thân của nó, cảm nhận một cách tự nhiên thấy được sự rung động của thân mà không trụ nơi hơi thở. Mỗi lúc có niệm đến thì nó đuổi. Cứ tập như vậy chứ không tập gì khác. Thầy mong rằng các con nếu quán thân không được thì các con trở về tu tâm xả trong tứ vô lượng tâm như vậy.
Còn người nào có tâm từ tâm bi thì khởi lòng từ bi. Nếu tu tâm từ thì phải tỉnh thức, nghĩa là tu trong tất cả mọi hành động của mình. Làm một hành động gì đều khởi lên lòng thương yêu cố gắng tránh không làm đau khổ chúng sanh từ trong mọi việc như lúc ăn, lúc rửa bát... Mọi lúc đều tỉnh thức trên đó mới gọi là tu tâm từ tránh gây đau khổ chúng sanh. Chúng ta vô tình không có tỉnh thức trên những hành động đó nên thường làm đau khổ chúng sanh. Khi đã tỉnh thức rồi thì trong khi ngồi im không làm gì hết người đó cũng trở về thấy thân của người đó chứ không thấy gì khác. Mà trong khi thấy được thân thì cũng thấy được thân rung động theo hơi thở thôi. Như vậy cũng trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ rồi. Thành tựu là ở trên tâm không phóng dật, mà không phóng dật thì phải ở trên thân nó thôi.
Tu tâm xả cũng trở về đó, tu tâm từ cũng trở về đó, bởi vì khi hành động thì phải tập rất tỉnh trên hành động đó. Cho nên sau khi vô sự, không làm gì hết, ngồi chơi kiết già thì tâm tỉnh táo ở trên thân, trên hành động. Nó tỉnh táo trên thân là phải qua sự rung động thân bằng hơi thở. Nó không bám vào hơi thở cho nên nó không lấy hơi thở làm đối tượng để tập trung. Tu tâm từ đâu lấy hơi thở làm đối tượng vậy mà giờ nó lấy hơi thở làm đối tượng để nhiếp tâm thì không đúng. Cho nên nó phải trụ trên thân thấy sự rung động của thân, nó không chạy đi đâu khác. Dù tu tâm từ thì cũng thấy thân mà tu tâm xả cũng trở về thân mà thôi, không có gì khác.
Thân là nơi tập hợp 4 Niệm Xứ. Lớp cuối cùng của Bát Chánh Đạo là Chánh Niệm; Chánh Niệm là 4 Niệm Xứ cho nên mọi cái đều về Chánh Niệm là niệm thân của nó thôi hay có thể gọi là niệm Thân Hành, lấy cái rung động của thân làm niệm cho nên gọi là thân hành niệm. Pháp thân hành niệm kiên cố như căn cứ địa, như cỗ xe. Nó luôn luôn biết thân như vậy thì nó có đủ 10 Như Lai Lực tức là nó có đủ 7 năng lực của Giác Chi và 4 Thần Túc xuất hiện trên tâm không phóng dật, tâm ở trên thân nó. Rõ ràng pháp Phật nào cũng trở về vị trí đó để được giải thoát, không thể đi sai chỗ tu tập của nó được.
Vậy chúng ta biết được hiểu được rõ ràng thì làm sao chúng ta tu tập sai được, phải thế không?
Bây giờ Thầy đi kinh hành để các con thấy biết. Nếu đường tu thân hành nội là hơi thở mà các con thấy khó, thì các con hãy trở về với thân hành khi đi sẽ dễ dàng nhận ra cái thân nghiêng qua nghiêng lại, nghiêng tới ngã lui và cái chân của con động thì các con thấy toàn bộ thân các con. Các con tu tập quán thân đi kinh hành trong một thời gian 5 ngày, 3 ngày rồi các con tu tập trong khi ngồi cũng nhận ra được thân rung động như vậy; các con nằm cũng thấy hơi thở rung động thân phần trên rất chặt chịa, rất rõ ràng và khi đứng lại các con tu tập cũng cảm thấy được sự rung động của thân qua hơi thở các con.
Đi kinh hành là thân hành ngoại thô làm cho các con dễ cảm nhận cảm giác cái thân nghiêng qua nghiêng lại toàn thân. Khi đi thì nghiêng qua nghiêng lại chứ không bao giờ đi thẳng đâu. Mình nhìn thì thấy dường như thẳng nhưng không bao giờ thẳng được vì khi chân này dở bước tới thì chân kia làm trụ chịu sức nặng, nó phải nghiêng qua để nó giữ thăng bằng, rồi bắt đầu chân kia dở lên thì nó phải nghiêng qua phần chân này cho nó chịu sức nặng, do đó các con cảm nhận được sự nghiêng qua nghiêng lại của thân rõ ràng. Các con về tập sẽ thấy đúng như vậy, không sai.
Hôm nay Thầy nói như vậy để các con biết sau hai tuần lễ các con thấy các con tu đã đúng chưa hay còn sai. Hơi thở cũng có sự liên kết trong bước đi nhưng khi đi mình chỉ lấy hành động đi thôi mặc dù các con đang hít thở. Khi quán thân được đến mức yên lặng thì mình cảm thấy được cả hơi thở và bước đi khi chân dở lên bước. Mình tu tập thì tâm thanh tịnh lúc bấy giờ mình lắng nghe được sự rung động trên thân thấy hơi thở và luôn cả bước đi của mình.
Cái đó là đúng chứ không sai.
Các con tập quán thân đi được rồi thì các con tập quán thân ngồi. Ngồi trên ghế cũng được. Tất cả mọi tư thế nào các con cũng quán được, nhiếp được trên thân, mà khi quán được trên thân như thế thì thời gian chứng đạo không còn lâu nữa. Coi như khi mà buổi học hôm nay mà các con nắm được vững trên thân quán thân rồi thì bất kỳ các con ở chỗ nào các con tu cũng chứng đạo được hết. Các con nắm vững được trên thân quán thân rồi thì các con không cần gặp Thầy nữa, các con vẫn tu chứng được đạo lực, các con làm chủ được sự sống chết của các con, khỏi cần hỏi Thầy cái gì khác nữa. Trên thân quán thân mà quán đúng sẽ nhiếp phục được tham ưu. Mà nó nhiếp phục được hết tham ưu, hoàn toàn từ giờ này đến giờ khác không còn có chướng ngại gì trên thân các con thì đó là giải thoát chứ gì nữa.
Các con quán thân trên thân thì tự nó nhiếp phục rồi. Khi các con quán đúng thì không còn một niệm nào khởi xen vô được, không còn hôn trầm thùy miên nữa, không còn cảm thọ này khác nữa. Các con tu trong 4 oai nghi chứ đâu phải chỉ trong một oai nghi đâu mà bị cảm thọ. Thí dụ như bây giờ các con tu cứ 5 phút đi, 5 phút ngồi, 5 phút nằm. Chỉ tu trong 5 phút thì đâu có lâu để bị ngủ. Các con cứ tu mỗi oai nghi chỉ 5 phút thôi, liên tục các oai nghi kế tiếp thay nhau thì làm gì các con mỏi mệt, đau nhức, hôn trầm được? Mà khi nhiếp phục được thì nó an trú, nó có trạng thái hỉ lạc. Đi nó lại thích. Nó thấy an ổn vô cùng, tâm rỗng rang mà yên ổn. Tâm hoàn toàn ở trên thân, nó quan sát rõ ràng mà tỉnh táo vô cùng, không có một chút nào hôn trầm thùy miên, mà nó lại tinh tấn bởi cái tinh tấn giác chi hiện ra rất rõ ràng. Khi nào có Hỉ Giác Chi thì có Tinh Tấn Giác Chi, Khinh An Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, có đủ cả 7 Giác Chi liên tục nhưng còn yếu thôi bởi 4 Niệm Xứ là thực phẩm của 7 Giác Chi. Các con nghe nó rõ ràng lắm, bởi vì mình tu 4 Niệm Xứ là thức ăn của 7 Giác Chi thì 7 Giác Chi phải có. Cho nên các con tu trên thân quán thân mà đúng rồi thì 7 Giác Chi phải hiện ra vì quán trên thân là đúng 4 Niệm Xứ rồi, mà 4 Niệm Xứ là thức ăn, là thực phẩm của 7 Giác Chi, cho nên khi mình ăn đúng món ăn của 7 Giác Chi rồi thì 7 Giác Chi phải hiện ra. Mà nó hiện ra kéo dài được 12 tiếng hoặc là 24 tiếng đồng hồ thì 7 Giác Chi đủ lực hết, các năng lực đủ hết.
Còn bây giờ dù mới tu trong vòng 5 phút hay 10 phút thì 7 Giác Chi cũng hiện ra rồi nhưng năng lực chưa đủ trọn vẹn, nhưng nó vẫn hiện ra, có hiện ra. Các con phải tu đúng chứ tu sai thì không có. Nó hiện ra với Tinh Tấn Giác Chi thì các con thấy thích thú tu lắm, không bao giờ còn lười biếng nữa, tự nó thích tu như vậy. Cứ 5 phút con đi, 5 phút thì ngồi, 5 phút thì nằm, 5 phút thì đứng. Cứ 4 oai nghi đó thay đổi tu suốt đêm như vậy đâu có mỏi mệt chút nào đâu. Tất cả những niệm khác nó đều nhiếp phục hết là tâm không phóng dật; mà tâm không phóng dật thì nó phải thành tựu chứ làm sao không thành tựu được.
Thầy nói bây giờ các con về tu chưa chừng ngày mai các con chứng đạo hết. Thật mà. Nhưng phải nhiếp đúng chứ nhiếp sai thì chưa chắc à! Thầy bảo các con trên thân quán thân, chỉ quán thân thôi, chứ Thầy đâu bảo các con tu phải dẹp cho hết các vọng tưởng. Bây giờ các con tu tập từng oai nghi thôi nghĩa là các con tập đi quán được trên thân, tập ngồi quán được trên thân, tập nằm quán được trên thân, tập từng phần rồi sau đó ráp lại. Khi mấy oai nghi này ráp lại được rồi và các con kéo dài quán được thì chừng đó mới thật tu 4 Niệm Xứ.
Hiện giờ các con đang tập quán chứ chưa nhiếp phục tham ưu đâu. Sức các con tập quán thôi. Đang tập quán mà bảo tập suốt đêm nay tôi chứng đạo thì không có đâu. Nhưng Thầy muốn nói các con quán trong 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi đều giữ được quán trên sự rung động của thân đúng vậy. Thầy nói nội đêm nay các con thành tựu đó là khi các con quán được, chứ chưa quán được thì làm sao một đêm mà làm được. Vì vậy hôm nay các con tập quán, coi quán được hay chưa. Quán được mới được.
Người nào mới vô quán liền có tưởng thì thôi đừng tu 4 Niệm Xứ, hãy tu xả giùm Thầy, có tưởng vô thì tu tâm xả chứ không khéo thì không được.
Người nào tu mà đã có nhiều tưởng rồi thì coi chừng quán thân trên thân sẽ bị tưởng, bởi vì tâm mình trụ vô yên lặng là tưởng hiện ra. Thay vì người ta quán thân sanh ra 7 Giác Chi thì nó lại sanh ra những loại tưởng kỳ lạ thế này thế khác thì lúc bấy giờ chỉ còn dừng lại mà thôi, phải tác ý xả thôi chứ không có cách gì khác, coi như toàn bộ thời gian ngồi chơi để cho nó có những chướng ngại, những niệm đến để tác ý xả thôi. Xả rồi lần lần đến khi tâm quay vô và khi nó định tỉnh trên thân nó quán thân, nó tự quán chứ mình không có tập luyện trên đó, mình không tự tập mà tự tâm quay vô nó quán thân nó như vậy thôi thì mới bảo đảm, chứ không khéo các con tu không tới nơi tới chốn.
Các con nhớ kĩ, các con tu tập quán thân được thì dễ rồi, nếu các con tu mà có chướng ngại thì các con nên tu tâm xả thôi. Vậy là có hai đường đi mở lối cho các con tu, người nào cũng có thể tu được. Đúng ra khi các con bắt đầu lên lớp Chánh Tư Duy này, Thầy dạy áp dụng vào lớp Chánh Kiến là các con còn tiếp tục làm bài chứ chưa phải hết, nghĩa là các con ngồi tu coi như tu 4 Niệm Xứ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự nhưng thực ra còn ở trên 4 Chánh Cần, do đó có một niệm nào đến thì niệm đó thành đề tài quán xét của các con.
Các con lấy niệm đó ra, như Quảng Kính có niệm lo lắng do đó viết thành bài để xả sự lo lắng trong tâm, đó là chánh tư duy trên lớp Chánh Tư Duy, nghĩa là đem mổ xẻ cái niệm của mình để xả niệm đó. Làm được vậy thì có căn bản lắm.
Nhưng Thầy không có đủ thì giờ để dạy các con theo những lớp đó, cho nên Thầy cho các con nhảy vọt lên lớp này liền ngay sau lớp Chánh Kiến. Lớp này là lớp thứ bảy là lớp Chánh Niệm. Đó là các con nhảy lớp. Nhảy lớp thì thế nào cũng phải có người học được, có người học không được, bởi vì nhảy quá nhiều lớp chứ đâu phải nhảy một lớp. Các con thấy từ lớp Chánh Kiến, các con bỏ các lớp Chánh Tư Duy, lớp Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn. Các con vào học lớp Chánh Niệm là bỏ bốn năm lớp chứ đâu ít. Nhảy lớp như vậy thì sức người nào đạt được thì sẽ quán được trên thân, người đó học được lớp Chánh Niệm. Từ lớp Chánh Niệm qua Chánh Định chỉ một chút xíu thôi là thành tựu rồi. Nhảy lớp cao để các con mau chứng vì vậy mà đòi hỏi các con khả năng rất lớn.
Chẳng hạn như ngày xưa Thầy chưa biết tu thiền gì hết thế mà ngồi xuống nhiếp tâm trong pháp Tri Vọng Liền Buông Thầy giữ tâm 30 phút không niệm. Còn các con một phút có niệm mà nhảy lớp kiểu này thì có lẽ là hổng chân rồi, còn Thầy nhảy lớp được tại vì sức nhiếp tâm của Thầy đến mức độ như vậy. Vì vậy mà Thầy nhảy lên lớp Chánh Niệm dễ lắm. Ở trên thân mà Thầy quán thì đâu có niệm vô, sức của Thầy khác với các con.
Bây giờ các con tu một phút thôi mà nhiều khi còn có niệm vô thì thử hỏi làm sao nhảy lớp nổi cho nên các con phải ở trên lớp Chánh Tư Duy này mà tu tập và đồng thời còn có cửa mở ra để các con được tu đó là tâm xả. Xả tâm vô lượng cũng là pháp độc nhất cho chúng ta khởi bước vào tu xả cho đến cuối cùng thành tựu chứ đâu không. Vì vậy mà Thầy biết trong đạo Phật có 8 con đường độc nhất để tu chứng đạo. Pháp 4 Niệm Xứ rất là tuyệt vời mà người tu được phải có căn bản, thiếu căn bản thì không vô được. Người không đủ căn bản tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì tu tâm xả. Thầy cũng đã trang bị cho các con đủ tri kiến bằng Định Vô Lậu để đủ sức xả, mà nếu chưa đủ sức thì các con sử dụng thêm pháp Như Lí Tác Ý, nhưng phải tác ý đúng, không thể sai được, vì các pháp hiện lên trong đầu các con đều hoàn toàn là ác pháp, thuộc về tham sân si hết. Những niệm nào khởi ra trong tâm đều thuộc về tham sân si mà tham sân si thì các con cần phải diệt, phải li, không chấp nhận, không làm theo nó thì các con phải xả nó.
Hôm nay Thầy nói như vậy để các con biết cách thức tu tập và đồng thời các con phải đọc hai tập vừa gởi cho các con. Rút tỉa những điều của mọi tu sĩ thưa hỏi, Thầy biết được trong những ngày các con nỗ lực tu quán thân 4 Niệm Xứ, các con có nhiều cái sai trong cách quán. Trong hai tuần nay có nhiều người trình bày với Thầy cách thức tu quán thân 4 Niệm Xứ như thế này thế khác, cũng như các con viết trong thơ hỏi Thầy. Do đó Thầy biết được cái sai của các con cho nên tập sách này ra đời để các con biết các con tu cái nào đúng cái nào sai như thế nào, đáp ứng giúp các con tu thật đúng, không còn sai nữa.
Các con nên đọc kỉ. Cuối tháng này các con sẽ gặp lại Thầy, Thầy mong rằng trong các con có người tu chứng.
Thầy nói thật đấy. Các con tu đúng, đạt tâm thanh thản an lạc vô sự thì các con sẽ chứng. Còn các con quán sai thì nên nghiên cứu kĩ lại hai tập hướng dẫn này. Các con đâu có nghĩ là các con sẽ tàng hình biến hoá gì đâu, mà các con chỉ muốn chứng được chơn lí. Có nghĩa là suốt thời gian 12 tiếng các con sống trong trạng thái tâm thanh thản an lạc vô sự thì đó là các con chứng đạt chơn lí rồi.
Suốt trong 12 tiếng đồng hồ, các con thấy tâm luôn luôn quán trên thân, có đầy đủ sự hỉ lạc thì các con đâu còn ham ngủ, đâu còn vọng tưởng gì như vậy các con chứng được chơn lí rồi. Trong hai tuần tới người nào tích cực tu đúng trong hai lần 7 ngày, đức Phật nói trong 7 ngày mà nay các con có đến những hai lần 7 ngày, như vậy quá nhiều, quá đủ thời gian, thì ít ra trong số các con đây cũng phải có một người chứng chứ lẽ nào không. Thầy nghĩ rằng các con tu càng sớm chứng được chơn lí chừng nào càng tốt chừng nấy. Người chứng xong sẽ giúp Thầy làm biết bao công việc đang cần làm, vừa ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nghĩa là tổ chức của chúng ta là để dựng lại Chánh Pháp của Phật.
Chúng ta tu để dựng lại Chánh Pháp, dựng lại nền đạo đức nhân bản nhân quả của đạo Phật. Việc làm của chúng ta có mục đích rất lớn là đem lại lợi ích cho mọi người, cho nên chúng ta phải có tổ chức hẳn hòi để đáp ứng nhu cầu càng ngày càng được mở rộng. Chẳng hạn như lớp học của các con hôm nay chỉ có 62 người mà nếu có được 2 hay 3, hay 5 người chứng quả Alahan thì các con nghĩ số lượng người sắp tham dự những lớp sau này sẽ lên đến con số hàng ngàn chứ không ít. Đời quá khổ, có người tu được giải thoát thì ai mà không thích, ai mà không ham tu, phải không? Nếu không có người thì làm sao các con đáp ứng được việc hướng dẫn cho số lượng người lớn như vậy tu học giải thoát. Bây giờ chẳng hạn dù các con có được 5, 3 người thì cũng không đủ để đảm trách tất cả các lớp đâu. Số lượng người quá đông, ai cũng muốn tu hết mình đâu thể bỏ họ được, nhưng đông quá thì làm sao mình kham nổi. Như các con thấy lớp Chánh Kiến chỉ hơn 60 người mà bài vở như vậy thì khi số người đông làm sao các con kham nổi. Nhưng khi lớp các con đạt đuợc nhiều người thì các con làm công việc lợi ích rất lớn cho loài người. Chương trình của Thầy không đơn giản, không nhỏ mà rất lớn. Chương trình của Thầy sẽ không còn chùa chiền, tu viện,... mà chỉ có những lớp học cho mọi người học để đem lại hạnh phúc làm chủ 4 nổi khổ đau của kiếp sống.
Chương trình của Thầy không còn là tôn giáo nữa đâu mà nó là nền đạo đức, nghĩa là khi Thầy dựng lại thì không còn hình thức tôn giáo Phật giáo nữa mà nó là nền đạo đức chân thật của cuộc sống. Người mà chúng ta phải nhớ ơn chính là đức Phật chứ không phải là Phật giáo. Phật giáo sẽ không có nữa mà chỉ có đạo đức của loài người. Nghĩa là bây giờ nếu các con làm chủ sự sống chết của các con rồi thì đó là đạo đức của các con đó. Đạo đức không làm khổ các con. Vì nếu các con bị khổ thì các con làm cho nó hết khổ. Đó là hành động đạo đức.
Khi các con tu học được 4 Niệm Xứ, Thầy nghĩ rằng những điều chúng ta tu tập là đúng, bởi quá rõ, quá cụ thể: trên thân quán thân để nhiếp phục, khắc phục tham ưu. Mình quán trên thân quán thân thì nó phải khắc phục tham ưu chứ có gì nữa. Nó đâu đòi hỏi pháp gì khác nữa đâu. Mà phải quán cho được chứ quán không được thì nó không nhiếp phục được cái gì. Tại sao chúng ta biết rõ ràng như vậy? Tại vì nếu chúng ta quán không được thì có niệm, có hôn trầm thùy miên. Còn chúng ta quán được là chúng ta nhiếp phục được thì không có hôn trầm thùy miên. Mà không hôn trầm thùy miên kéo dài từ giờ này đến giờ khác thì đó là chứng đạt chơn lí chứ còn gì nữa.
Các con tu cứ có tưởng này, tưởng khác thì làm sao chứng đạt được. Lúc thì thấy thân rung động, lúc thì thấy cái khác. Cái khác, đó là sai. Sai thì làm sao nhiếp phục tham ưu được? Còn lúc nào các con đi cũng thấy độ rung động của thân các con như vậy, ngồi xuống thì thấy hơi thở các con rung động cái thân các con như vậy. Đúng y với cái quán thân của các con. Không sai pháp. Lúc nào cũng được y như vậy thì thời gian chứng đạt nhanh vô cùng.
Cho nên tập đúng thì các con đạt được, mà tập sai thì không đạt.
Từ lâu nay người ta triển khai 4 Niệm Xứ không đúng cách cho nên người ta không làm chủ được. Còn chúng ta triển khai đúng. Hiện giờ người nào trong các con thích tu 4 Niệm Xứ, các con hãy tập quán trên thân của các con cho đúng cách. Thầy muốn nói bây giờ các con tập sai nhưng lát nữa các con tập đúng. Nếu lát nữa các con tập còn sai thì tập lại cho đúng. Tập hoài, tập cho đến lúc nào tập cũng đúng cả. Các con bền chí thì riết rồi tập phải đúng thôi. Như ngày đầu Thầy vô học võ được dạy phải đứng trung bình tấn.
Lúc đầu Thầy đứng không được, không đúng, nhưng nhờ sửa đi sửa lại, sửa riết rồi phải đúng. Các con thấy đó, cái gì cũng phải tập, tập riết thì phải được chứ. Đó là cách thức tập luyện có bền chí.
Ở đây cũng vậy, chúng ta tập trên thân quán thân, vậy thì quán như thế nào? Đức Phật đã dạy cho chúng ta cách thức đó thì hãy nương vào cách thức đó mà quán “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Các con tập rồi trình cho Thầy biết các con quán thân như vậy các con thấy hơi thở ra sao ra sao, vậy đúng hay sai. Nếu Thầy bảo sai thì tập lại chứ đừng nghe nói sai rồi bất mãn quá cuốn gói về. Chuyện như vậy thì hết nói rồi. Sai thì sửa chữa, sao sai lại bỏ đi về, có ai tự nhiên mà giỏi đâu. Cũng như một đứa bé làm sao tự đi được, bà mẹ mới nắm tay nó, nó nương vào tay mẹ mới bước tới. Lúc đầu nó đâu có đi được, chưa điều khiển chân co lại để đi mà cứ thẳng chân. Bà mẹ mới lôi nó. Nó té sấp té nghiêng cho đến lúc nó biết co chân, biết bước đi. Các con cũng vậy thôi. Các con cũng phải tập qua những giai đoạn như đứa bé. Từ bò rồi mới đứng, rồi mới chập chững, rồi mới đi chứ. Tập quán thân theo 4 Niệm Xứ cũng vậy thôi. Lúc đầu thì phải trật, phải sửa, rồi phải đúng chứ có gì khó. Không có gì khó hết.
Không biết, không làm được thì phải tập. Tập riết thì phải được. Tập được rồi thì mới chạy, cũng như đứa con nít. Các con chạy suốt một đêm thì chứng đạo chứ có gì nữa đâu. Căn bản là chỗ các con bước đi có được hay không thôi. Khi đi được rồi thì tập dần cho cứng chân cứng cẳng rồi bắt đầu chạy chứ chưa cứng mà chạy thì sẽ bị té. Chạy được rồi thì chạy một đêm sáng ra người nào cũng chứng quả Alahan hết. Trên đầu hiện hào quang sáng trưng! Thực sự là như vậy. Pháp của Phật rất thực tế chứ đâu phải mơ hồ gì. Các con đừng nghĩ tuởng Thầy nói đùa. Các con làm đúng thì sẽ được như vậy thật sự.
Trong tập sách mỏng này, các con đọc kĩ sẽ thấy rõ. Từ lâu nay các con tu sai nhiều quá cho nên nó sanh ra tưởng này tưởng kia và cuối cùng Thầy đúc kết những cái sai của các con mới có tập sách mỏng này. Các con không sai thì không có tập sách này. Thầy cứ ngỡ ai cũng tu đúng hết nhưng không ngờ khi kiểm tra mới biết. Nhờ vậy mới vạch ra được cái cần làm đúng, chứ nếu cứ theo cái đúng của Thầy mà dạy thì các con đâu làm theo Thầy được. Đầu tiên mới vô mà Thầy nhiếp 30 phút thì các con có làm được vậy không. Các con thua Thầy rồi phải không? Như vậy các con muốn làm được như Thầy thì phải tập luyện trong 5, 7 năm mới có khả năng nhiếp một hơi 30 phút không vọng tưởng, có phải không? Bây giờ Thầy chỉ đòi hỏi ở các con một phút nhiếp tâm và an trú tâm thôi. Còn hồi trước Thầy chưa biết tu là gì mà 30 phút nhiếp tâm và an trú tâm, bây giờ so sánh thì các con biết được các con ở mức độ như thế nào. Một phút đối với người mới tu như các con thì quả là lâu ghê lắm chứ còn đối với Thầy thì đâu thấy có thời gian. Các con một phút còn chưa xong thì làm sao 30 phút mà làm được. Cho nên nếu các con nhiếp tâm và an trú tâm một phút được thì ở trên thân quán thân được. Bởi vì một phút an trú trong hơi thở được thì cũng giống như lúc đó các con ngồi trên chòi canh tháp canh mà nhìn khắp trong căn cứ địa canh chừng ngăn cản kẻ lạ xâm nhập, không cho giặc vào. Khi quán được rồi thì đâu có gì sanh chướng ngại được vì vậy mà nó nhiếp phục tham ưu hết. Đó là điều kiện cần thiết cho sự tu tập của các con.
Hôm nay Thầy đã trang bị cho các con đủ hết rồi. Cách thức đi thì hồi nãy các con đã thấy. Còn ngồi thì các con khó nhận quá vì Thầy ngồi thở thì làm sao các con nhận ra hơi thở làm thân Thầy rung động được. Vậy bây giờ các con muốn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì các con về tập theo cách đi trước tiên. Khi đi quán được rồi mới ngồi. Khi ngồi hít thở thì thân rung động. Nếu Thầy muốn kiểm tra xem các con tu quán thân theo hơi thở có được không thì ít ra Thầy phải mất 30 phút để kiểm tra một người vì Thầy phải giữ tâm Thầy bất động để quan sát sự nhiếp tâm quán trên thân của các con từ phút đầu đến phút thứ 30, coi trong thời gian đó các con có những niệm gì xẩy ra trong tâm các con không. Như thế thì mất thời giờ của Thầy nhiều quá vì số lượng các con đông.
Các con ngồi tu quán thân trên thân, trong tâm các con có niệm hay không thì các con tự biết được chớ có lẽ nào lại không. Nếu không biết tức là các con không nhiếp phục được, vậy là các con quán thân sai hoặc là quán quá sức của các con, có nghĩa là sức các con 5 phút mà các con tu đến 10 phút là các con bị sai rồi. Bị sai có nghĩa là tâm các con lúc đó bị lờ mờ, không có tỉnh.
Cũng như ngọn đèn pha bị hết điện nên nó mờ yếu đi, không soi rõ được. Khi sức các con không đủ mà các con cố gắng ngồi lâu để quán thì sức quán bị mờ, mà bị mờ không đủ sức để quán thì làm sao nhiếp phục tham ưu được cho nên các ưu phiền tác động vô. Vậy sức các con chưa đủ thì hãy tu ít, đừng tu nhiều.
Bây giờ các con về đọc lại kĩ tập này rồi tập luyện đúng với sức các con.
Còn khi viết thư hỏi thì đừng có hỏi những việc không liên quan sự quán thân trên thân, chỉ hỏi những gì trong sự tu tập thôi, đừng hỏi những chuyện xa xưa như những câu kinh câu kệ. Đừng hỏi những thứ đó. Chỉ hỏi ngay pháp tu là điều đáng hỏi, thí dụ hỏi con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà nhiếp như vậy thì đó là thế nào... xin Thầy xác định cho con đúng hay sai. Nếu Thầy nói đó là sai thì về tập lại chứ đừng thối chí. Đó, chỉ có vậy thôi thì thời gian một tháng, hai tháng, khi đã quán được rồi các con sẽ tự thấy kết quả chứng đạo của các con bao xa.
Chỉ khi quán được thì mới nhiếp phục được tham ưu chứ đâu phải ngồi đó mày mò hoài đâu. Bây giờ chỉ tập quán cho được. Trong khi muốn quán được như vậy thì các con phải giữ độc cư. Không giữ độc cư thì quán không được đâu, vì có thanh tịnh thì mới lắng nghe được nó và luôn luôn tập trung vào thân của mình thì mới thấy thân được rõ ràng.

TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA LỚP TU SINH NỮ

Hôm nay trong vấn đề tu tập Thầy nhắc nhở như vậy, rồi các con về đọc kĩ tập sách mỏng này để biết được điều kiện cần thiết cho sự tu tập của các con. Bây giờ các con có ai muốn hỏi Thầy gì không?
1.- Ở câu hỏi này, con ngồi chờ giặc tới thì con nên tu tâm xả. Tu tâm xả thì sẳn sàng chiến đấu. Nếu con tu như vậy thì cuối cùng cũng sẽ thấy tâm quay vô trong thân con nhưng trong khi tu có những chướng ngại pháp. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì không có giặc tới. Giặc không tới được vì không có một mặt nào giặc xen vô trong 4 Niệm Xứ của ta được. Trên thân quán thân, phương pháp quán đó là nó ngăn chặn không còn giặc, cho nên nó nhiếp phục tham ưu hết. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là con chủ động điều khiển hoàn toàn, nghĩa là con quán thân con thì tất cả những ác pháp đều không lọt vô được. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì con tập quán thôi, tập quán cho được trong cả 4 oai nghi rồi con mới kết hợp lại trong một đêm hay trong 24 giờ là con thành tựu. Đó là cách thức tu quán thân theo 4 Niệm Xứ.
Điều kiện của con như vậy tu tâm xả rất tốt. Con không thể nhiếp tâm trên thân của con để tu 4 Niệm Xứ thì con nên tu tâm xả là hoàn toàn tốt. Khi bị động thì phòng hộ mắt tai mũi miệng thân ý bảo nó quay vô. Nó quay vô thì nó giữ được sự thanh thản của nó. Tu tâm xả rồi cũng tới nơi tới chốn.
2 - Con tu tập trọn cả 4 oai nghi, mỗi oai nghi tu 5 phút kết hợp tu liên tục để không có một chướng pháp nào lọt vô. Giờ giấc tu con phải giữ cho nghiêm chỉnh, không để phi thời tu, nghỉ. Cứ 11 giờ ngủ, 2 giờ dậy là 2 giờ dậy hay 10 giờ đi ngủ là đi ngủ, 2 giờ dậy là 2 giờ dậy. Con cứ tu như vậy cho đến khi con kết hợp được 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi con đều quán trên thân con được thì lúc bấy giờ con mới tăng giờ tu đánh rốc luôn hết. Cái quán thân của con sẽ nhiếp phục được hết các chướng ngại pháp trên đó, chừng đó con quyết định không cần ngủ nữa, bởi khi con nằm là con đã nghỉ trên sự tỉnh thức của con rồi nên cơ thể con không phải thiếu ngủ đâu. Con nằm yên thì đó là lúc nó nghỉ, và như vậy nó phục hồi năng lượng cho cơ thể con rồi. Còn tâm con hoàn toàn tỉnh không khởi niệm gì hết, lúc nào cũng thấy được thân con thì nó cũng đang nghỉ đó cho nên nó khoẻ, nó sung mãn. Khi tu quán thân theo 4 Niệm Xứ được rồi thì cơ thể chúng ta sung mãn vô cùng, nó không dụng công gì nhiều nên không mất sức. Vì thế khi 4 oai nghi này con kết hợp được rồi thì con đánh rốc luôn, khỏi cần ngủ. Còn bây giờ trên 4 Niệm Xứ chưa trọn, oai nghi này được mà oai nghi khác không được thì con phải giữ giờ giấc nghiêm chỉnh để tập cho nó trọn vẹn. Khi đã được cả 4 oai nghi rồi thì ta kết hợp lại với nhau để thành cỗ xe 4 Niệm Xứ cho nó chạy, thì con sẽ thắng. Vậy bây giờ con phải tu tập như vậy.
Trong khi con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì không có niệm, nhưng khi xả nghỉ thì có. Có niệm mà con muốn xả cho nó được bình an thì con dùng Định Vô Lâu, quán tư duy hay tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” để đẩy lui những mỏi mệt trong thân con. Nhưng sau khi kết hợp tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trong 4 oai nghi rồi thì không được để các niệm xen vô, chỉ duy nhất có 4 Niệm Xứ mà thôi.
Các con ai thích pháp nào thì phải nỗ lực tu pháp đó. Pháp xả cũng rất tuyệt vời. Khi nó trở về trên thân, khi nó xả được tâm nó, được bình an rồi thì nó quay lại thấy thân nó rất rõ ràng. Nó ở trên thân của nó mà không trụ vào chỗ nào hết. Để tự nhiên nó ở trên thân thì nó được bình an thanh thản. Nó ở trên thân nhưng chúng ta không phải quán thân như của 4 Niệm Xứ. Tự nó quán thân, tự nó ở trên đó nó thấy, bởi tâm chúng ta ở đâu thì nó thấy ở đó. Cho nên nó nhẹ nhàng lắm mà hễ có mặt niệm nào xuất hiện ra thì nó đuổi mà không có thì nó ngồi đó chơi, nó chơi với nó, nó nhìn nó chơi thôi chứ không chơi với ai hết. Đó là cách thức nó sống độc cư, nó an trú thích thú một mình nó, nó không thích nói chuyện với ai hết. Người tu tâm xả không thích nói chuyện. Khi có người nào nói chuyện với nó, nó bị lôi đi thì nó nhọc nhằn một vài bữa cũng trở về với cái tâm xả của nó, chứ nó không khó khăn lắm. Bởi vì xả vô lượng tâm cho nên gặp khó khăn gì nó cũng cố gắng xả ra hết.
3 - Còn Huệ Ân, con nên giữ tâm thanh thản an lạc vô sự thôi. Lúc nào cũng nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự, rồi con tập dần bảo hơi thở tịnh chỉ, ngưng đi. Rồi con để thanh thản, xem hơi thở ngưng được phút nào hay phút nấy. Lúc nào con cũng xả thôi, coi như là con tu xả chứ không tu trên thân quán thân đâu. Nếu thân con có đau nhức chỗ nào thì con dùng pháp xả các chướng ngại đó ra, còn tâm con có niệm gì cũng dùng pháp xả thôi. Con chỉ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, duy nhất pháp đó cùng với tập tịnh chỉ hơi thở dần. Đến lúc ra đi con chủ động bảo hơi thở dừng.
4 - Thầy nhắc lại khi các con tu 4 Niệm Xứ quán được thân thì có trạng thái hỉ lạc. Các con biết có lạc nhưng đừng chú ý nó mà chỉ chú ý trên thân các con thôi, chỉ quán thân thôi, có trạng thái hỉ lạc thì kệ nó chẳng quan tâm.
Trạng thái hỉ lạc thể hiện qua 7 giác chi nên các con đừng chấp, đừng sai lầm trụ tâm vào chỗ đó, các con chỉ lo quán thân thôi. Mục đích các con quán thân là để nhiếp phục những ưu phiền, còn lạc là hỉ lạc trong 7 giác chi phải hiện tướng ra, các con đừng chú ý, nếu không thì sẽ bị tưởng, xúc tưởng hỉ lạc. Nếu chú ý thì nó không thành giác chi nữa mà bị sai qua tưởng, bởi các con chú ý nên thích thú mà còn thích thú là còn dục. Nếu các con không chú ý mà chỉ một bề quán thân, có lạc hay không, hoặc có trạng thái gì đi nữa các con cũng chỉ một bề quán thân thôi thì các con sẽ thành tựu quán thân.
Tu đề mục thứ 4 Định Niệm Hơi Thở thì khi hít vô thở ra cảm nhận được sự rung động của thân, cố gắng cảm nhận sự rung động, đừng thấy hơi thở chạy lên đầu chạy xuống chân. Thấy hơi thở chạy lên chạy xuống thì coi chừng bị tưởng, là sai. Mình tập quán thân là tập cảm nhận thân. Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” các con phải làm đúng lời dạy của Phật, đừng làm sai. Cảm giác là cảm nhận cái thân của mình, đừng thấy hơi thở, vì thế trong bài kinh Thân Hành Niệm, đức Phật dạy “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra” đó là xác định cho chúng ta thấy sự rung động của thân chứ không phải thấy hơi thở chạy lên chạy xuống thì các con tu mới đúng. Còn nếu các con quan sát thân từ trên đầu xuống chân, từ chân lên đầu là đúng nhưng cần lưu ý là thấy biết toàn bộ thân chứ đừng chạy theo hơi thở lên xuống. Đừng thấy hít vô hơi thở luồn(g) đi trong thân mà phải cảm nhận sự rung động của thân theo hơi thở mới đúng. Thầy nghĩ các con nên tập quán thân theo hành đi trước cho dễ quán, vì quán theo hơi thở thì các con thường cứ thấy hơi thở chạy luồn(g) trong thân thì thành tưởng mất. Cho nên các con tập thấy độ đẩy đưa nghiêng qua lại của thân trong khi đi. Hành đi thô nên rất dễ nhận ra thân để quán. Khi quán thân trong khi đi được rồi thì các con ngồi sẽ dễ nhận ra thân, dễ quán được thân.
5 - Nếu chấp nhận tu xả tâm thì cố gắng tập xả, tất cả những chướng ngại gì cũng xả, xả hết thì tự nhiên cũng trở lại thân con. Tu tâm xả thì dễ hơn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Xả thì các con biết ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện trên 4 Chánh Cần. Tu xả không bị ức chế tâm, không bị trụ tâm vào chỗ nào hết, nên dễ hơn. Con thấy mình ngồi chơi, khi có chướng pháp thì xả, không có thì thôi, đâu có làm gì. Nếu có cảm thọ thì con tác ý xả. Con dùng câu tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra; an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” hoặc là “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” đó là cách thức của xả tâm xả cảm thọ, con dùng Định Niệm Hơi thở rất nhiều trên tâm xả.
Hay con dùng những câu tác ý con trạch ra hay Thầy đã dạy. Thí dụ đầu nhức thì con tác ý “Thọ là vô thường, cái đầu nhức này hãy đi đi” rồi tác ý thêm “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là cách thức Thầy đã dạy để đẩy lui bệnh thì có lẽ nào đến lúc tu tâm xả mà con bỏ nó đi hay sao. Đó là phương pháp, là cách thức xả. Khi con xả hết thì nó ở đâu, Thầy đã dạy rồi. Nếu con không biết nó ở đâu thì con đã lọt vào không ngơ rồi, lọt vào trong tưởng rồi. Vậy là con đã tu sai. Thầy đã dạy khi xả hết thì tâm phải ở trên thân thôi, tự động nó phải ở trên thân để nó thấy có niệm gì, có chướng ngại gì thì nó xả. Bất kỳ ở đâu trên 4 Niệm Xứ có chướng ngại thì nó xả. Nếu nó ở trong không thì làm sao nó thấy những cái chướng ngại này. Khi nó đã lọt trong không vô biên xứ rồi thì làm sao nó thấy được. Nếu không phải không thì nó lọt vô vô ký, hôn trầm thùy miên tức là nó ngủ rồi. Hoặc nó ở trong không tưởng. Con xả hết thì nó đâu thể ở trong mấy chỗ đó được. Ở đây con xả bằng ý thức thì ý thức của con phải ở trên thân chứ có chỗ nào nữa, nó phải quay vô. Thầy đã nói rồi, tại con quên, con nghĩ tưởng. Cái này là con tưởng ra không chứ khi con xả bằng ý thức thì không thể có điều đó, trừ ra khi con dừng ý thức của con. Dừng không cho niệm. Còn ở đây con xả những chướng ngại. Giờ có niệm tới, con xả bằng cách con hiểu nó, hoặc cảm thọ đến con xả bằng ý thức, bằng phương pháp đàng hoàng. Ý thức không mất. Ý thức không mất thì làm sao không được, cho nên nó phải ở trên thân con.
6 - Thầy gợi ý cho con: con nên tu tâm xả vì con hay bị tưởng, nếu con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trụ tâm trên thân con thì con hay bị tưởng. Cho nên tốt nhất là con tu tâm xả tự tâm con quán rồi tự nó trụ trên thân con thì hay hơn vì vậy mà nó không bị các trạng thái tưởng. Con tu tâm xả thì con ngồi chơi nhưng mà nó cũng sẽ tới nơi dễ dàng không khó khăn gì. Như ông Châu Lợi Bàn Đặc tu tâm xả tức là ngồi quét tâm thôi. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì phải tu thật sự là luôn luôn nó phải quán trên thân nó, nó bám chặt trên thân nó, cho nên rất khó. Người đã bị tưởng nếu trụ vô quán trên thân thì sanh ra tưởng liền. Mặc dù hiện giờ con tu 4 Niệm Xứ đặt tâm trên thân thì thấy rất rõ nhưng không được đâu. Theo đặc tướng thì con nên tu tâm xả tốt hơn. Ở nơi cổ con thấy bị ngợp thì đó là một dạng tưởng đó. Con tác ý “Dị tưởng hãy lui đi. Ở đây thân phải bình thường như mọi người.” Sau đó con trở về tu tâm xả thì dị tưởng đó sẽ hết, tâm con không còn dị tưởng nữa, nó sẽ trở về ở trên thân con.
Con tu trong 4 oai nghi để xả tâm. Không phải chỉ quán thân theo 4 Niệm Xứ mới tu trong 4 oai nghi đâu. Tu tâm xả áp dụng trong khi nằm cũng bình thường, đi cũng bình thường, coi như không tu gì hết. Xả hoàn toàn trong các oai nghi. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ người ta tập quán thân trên thân trong tất cả 4 oai nghi để cấu kết lại trở thành một chuỗi trên thân để người ta tiến tới chứng đạt chơn lí. Còn mình xả hết thì cũng chứng đạt chơn lí. Tu tâm xả thì cũng liên tục xả, coi như không còn thời gian nữa, ngồi chơi không tập trung gì hết, không mệt nhọc gì hết, có niệm thì xả, không có thì thôi. Ngồi chơi suốt từ sáng tới chiều khép chặt mình trong xả tâm, không có giờ nghỉ. Tỉnh thức trên tâm để xả, thí dụ ngồi ăn mà khởi niệm thức ăn bữa nay sao mà ăn không được thì cũng xả luôn. Đó là xả tâm khen chê. Cho nên lúc nào cũng xả. Xả vô lượng tâm là đó. Hễ bình thường thì thôi mà có niệm là xả. Tu tâm xả thì đóng cửa thất ngồi trong đó mà xả chứ ra ngoài không khéo thì chạy theo các niệm không xả được. Thấy cái này cái kia thì đâu có xả, cứ huân vào hoài thì đâu xả được. Cho nên cố gắng xả là cố gắng ngồi lì hoài một chỗ nào đó mà xả. Cũng có thể ra ngoài nhưng chỉ khi nào không bị động mới được. Khi ra ngoài thì phải phòng hộ cho nghiêm mật chứ không thì nhìn cây nhìn cỏ cũng dính vô. Cho nên người tu tâm xả nỗ lực ít đi ra, chỉ sống trong thất đi tới đi lui. Đi khất thực, mang y rửa bát đều lắng tâm nghe tâm có niệm mà xả. Tu tâm xả không có chướng ngại gì lọt vào trong đầu được. Lâu lâu tác ý tâm thanh thản an lạc vô sự. Nếu cảm nhận thanh thản thì cứ để nó tự cảm nhận, giữ tâm tự nhiên.
7 - Bây giờ con tập quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi đi thôi, tập riêng phần đi, chứ đừng tập thêm cái khác. Tập phần đi chưa được mà tập thêm phần ngồi thì chưa nhận rõ, như thế sẽ bị lờ mờ, bị niệm khác, bị chướng ngại pháp tác động vào làm cho con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ như vậy sẽ dậm chân tại chỗ, không tiến bộ. Không tiến bộ thì một thời gian sau sẽ bị ức chế, bị lọt vào trạng thái tưởng rất nguy hiểm. Các con chỉ tu quán thân theo 4 Niệm Xứ khi đi thôi. Đi xong thì nghỉ. Trong khi nghỉ là tu tâm xả, có những chướng ngại gì thì dùng tác ý đẩy lui, chứ không phải nghỉ là buông thả lỏng. Mình cũng tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi mình nghỉ theo cách như người tu tâm xả ngồi chơi. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là rèn luyện trên thân quán thân. Mình tập cách thức quán trong khi đi trước. Quán trong khi đi được rồi thì mới quán tiếp trong khi ngồi. Khi quán trong khi đi chưa được thì khoan tập quán trong oai nghi khác. Phải tu quán cho được một oai nghi thì đó mới là tu căn bản. Tu đủ hết các oai nghi cùng lúc thì không ra gì hết mà coi chừng bị ức chế tâm.
Tập quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi đi thì hành tướng đi thô dễ cảm nhận. Khi nhận được cái thô của nó, lúc nào cũng nhận y chang một hành động cảm nhận đó thì mới thay đổi qua tập trong khi đứng. Đứng xong mới qua ngồi, vì ngồi nhận qua hơi thở thì nhẹ nhàng, vi tế hơn trong thân, nhưng mình sẽ dễ dàng nhận được vì mình đã nhận được rung động của thân trong khi đi và đứng được nhuần nhuyễn rồi. Tập quán khi đi, rồi khi đứng, khi ngồi, mới qua tập khi nằm. Trong tất cả các oai nghi đều nhận được sự rung động qua hơi thở từ đầu tới chân. Thường mình bị khó với hơi thở là vì mình thấy được hơi thở là ở mũi thở ra hít vô, thứ hai nữa là ở ngực, ở bụng, mấy chỗ đó thấy rõ chứ còn ở chân tay thì không thấy rõ cho nên khó của hơi thở là vậy. Còn đi kinh hành thì rung động cả thân, có thể hơi thở làm rung động phần trên, còn thân nghiêng qua nghiêng lại làm các con cảm nhận dễ. Nhưng khi đứng thì khó hơn. Nếu mình tập nhuần nhuyễn quán thân đi kinh hành rồi thì quán thân trên hơi thở dễ, không còn khó nữa, cho dù hơi thở vi tế đến mức nào như ở ngực, ở bụng phình lên xẹp xuống thì các con vẫn thấy được rõ, thấy thân các con từ chân lên có sự rung động nhẹ, các con cảm nhận được. Đó là các con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Còn nếu thấy tu quán thân theo 4 Niệm Xứ không được thì tu tâm xả, có vậy thôi. Tu tâm xả thì không hạn cuộc trong thời gian lúc nào cũng tu được hết.
8 - Nếu mình nhìn bằng mắt thì mình thấy bằng mắt, nhưng ở đây đức Phật dạy mình cảm nhận tức là “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” cho nên vì sao không dùng mắt nhìn? Bởi vì nhìn lâu thị giác các con bị mỏi mệt, mà cái quán này đòi hỏi quán thời gian dài vì vậy không để các con bị mỏi mệt vì nhìn, bằng không thì các con quán không được rõ ràng, quán bị mờ mịt, ngay cả khi mắt các con cần nháy thì các con cũng đã bị gián đoạn cái nhìn thân bằng mắt trong khi nháy.
Cho nên pháp quán bằng mắt đức Phật không dạy chúng ta mà đức Phật dạy chúng ta cảm nhận. Ở đây Thầy lấy những điều Phật dạy. Lấy thí dụ như các con thấy một vật được ngọn đèn soi vào thì các con thấy vật đó rõ, vậy con dùng mắt nhìn thân con thì con thấy ngay liền từ chân lên đầu, nếu vật cao hơn thì phải đảo mắt mới nhìn toàn bộ vật đó. Cũng không phải như kiểu quán chân dung để biết đẹp xấu mà chỉ làm sao để các con biết toàn bộ, biết trọn thân của các con, các con cảm nhận thân thấy thân như vậy thôi, không có tư tưởng gì khác. Còn nếu các con nhìn thì thấy thân mà không qua cảm nhận thấy bằng sự rung động là thiếu, nhưng nếu nhắm mắt để cảm nhận qua thân thức thì cũng sai. Không nên nhắm mắt vì dễ sanh tưởng.
9 - Con tu tâm thanh thản an lạc vô sự là con tu tâm xả cho nên có chướng ngại gì cũng xả ra hết. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là tự trên thân nhiếp phục không còn một chướng ngại gì. Sức con lớn tuổi rồi, không nhiếp phục được mà chỉ nên tu tâm xả thôi. Thân già cỗi nên lát thì đau chỗ này, lát đau chỗ khác, tức là bị chướng ngại thân mà con muốn quán thân theo 4 Niệm Xứ nhiếp phục cho được những cái đó thì sức con không đủ, cho nên con chỉ nên tu tâm xả. Nhưng cuối cùng nó cũng quán trở lại trên thân con thấy bình an.
Khi tu tâm xả các con có thể đọc kinh sách, nghe băng giảng được trong những giờ nghỉ, cũng như các con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ đều đọc kinh sách nghe băng trong giờ nghỉ quán. Nhưng khi cấu kết cả 4 oai nghi thì không được nghe, đọc cái gì hết. Nghĩa là 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi đều quán. Quán thân theo 4 Niệm Xứ được từ nửa giờ trở lên thì lúc bấy giờ dẹp toàn bộ hết, không nghe, không đọc, không nghỉ. Các con hiện giờ chưa tới giai đoạn đó nên được làm tất cả mọi việc để các con hiểu thấu, nắm vững các pháp tu. Đến khi các con quán thân được trong khi đi, khi ngồi thì cần tập cho nhuần nhuyễn, cho sung mãn lúc đó chỉ còn ôm pháp quán thân theo 4 Niệm Xứ thôi chứ không còn cần nghiên cứu cái gì khác nữa hết. Lúc đó mà các con còn đọc thì chỉ làm loãng tâm các con thôi. Không nên làm vậy.
Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là con có pháp, có phao; còn tu tâm xả thì không có phao, không có pháp nào hết ngoại trừ pháp xả bằng tri kiến, bằng ý thức của các con thôi. Vì vậy mà hai phương cách tu, một thì bắt buộc quán thân theo 4 Niệm Xứ, một thì không bắt buộc nhưng khi xả hết thì tâm cũng tự động trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ, nó cũng thành tựu trên quán thân theo 4 Niệm Xứ, cũng sung mãn trên đó. Các con hiểu rõ như vậy thì tu không còn sai nữa, không còn trật đường nữa.
10 - Con về tập, nhận xét con cảm nhận như thế nào, cái quán thân trong khi đi có giống như khi ngồi, có giống như khi nằm không, rồi trình Thầy biết. Cái cảm nhận thân đi thì thô nhưng khi ngồi lại hay nằm xuống con đều cảm nhận được sự rung động, dao động của thân con, mặc dù nó vi tế, nhỏ nhiệm hơn nhưng con vẫn thấy rất rõ sự rung động đó. Đó là con đã tu nhuần nhuyễn thì trình Thầy biết như vậy. Còn nếu con tu tập tới giai đoạn nằm hay ngồi mà nhận không ra được sự rung động thì con cũng trình để Thầy dạy con biết cách thức làm sao nhận ra cho được.
Khi các con quán đúng rồi thì không bao giờ khởi ra một niệm nào xen vô trong khi các con quán, dù là khi đi hay đứng hay ngồi, nằm. Tâm các con lúc nào cũng im re chỉ còn cái quán thân thôi. Rất tỉnh, hoàn toàn biết từ đầu tới chân rất rõ. Không có niệm là quán đúng, có niệm là quán chưa đúng, quán trật. Các con biết như vậy rồi hiểu rõ như vậy rồi thì không còn gì để hỏi Thầy nữa. Ở bất kỳ nơi nào, các con cũng tu chứng đạo được hết.
Chánh nghiệp (oai nghi tế hạnh) - Oai nghi tế hạnh của người tu tập thì ngồi chơi cũng phải trong oai nghi thẳng lưng đúng cách. Sau này các con học lớp Chánh Nghiệp thì đi đứng nằm ngồi phải đúng oai nghi. Ngồi không được thụng lưng, không tréo chân vách mảy, lúc nào cũng giữ gìn thân hành nghiêm trang. Lớp Chánh Ngữ thì dạy lời nói. Người tu thì lúc nào cũng trong oai nghi nghiêm trang đẹp đẽ. Người đời không học oai nghi nên các thân hành của họ không đẹp lắm. Ngồi thì thụng lưng, nằm thì co quắp hay nằm sấp chẳng khác gì cách của thú vật. Họ cho là tự tại vô ngại, đói ăn khát uống, mệt thì ngủ nằm kiểu nào cũng được. Đó thiệt ra không phải là con người đâu. Con người thì phải có những oai nghi tế hạnh, mình phải học. Từ cha mẹ sanh ra chưa biết đi mà giờ mình biết thì do ai dạy mình. Có phải do cha mẹ dạy không? Vậy thì từ lời nói từ cách thức đi đứng nằm ngồi đều phải được dẫn dạy. Con người thì phải có ý thức, phải được học. Nếu không học, thả lỏng thì chẳng khác loài thú sinh hoạt theo bản năng tự nhiên của nó.
Con người có trí tuệ thì phải có cách thức phương pháp dạy cho nó những oai nghi tế hạnh vượt trên loài cầm thú để có những hành động đẹp đẽ cho nên gọi là oai nghi tế hạnh mà đạo Phật nói tới. Các con có thấy có tôn giáo nào dạy oai nghi tế hạnh như đạo Phật không? Dạy chánh ngữ, chánh nghiệp, tà nghiệp như thế nào. Hành động nằm sấp là tà nghiệp, ngồi thụng ẹo là tà nghiệp. Ngồi chơi thì ngồi thụng, ngồi thiền thì ngồi thẳng thì đó là tà nghiệp và chánh nghiệp. Cho nên những oai nghi đó phải được học.
Thầy có soạn viết ra các con mới học để biết, chứ các con đâu có. Chừng Thầy mất rồi thì các con biết hỏi ai. Do đó các con bị bất lợi lớn. Một ngày nào 4 tập Giới Luật Thầy tiếp tục viết ra, trong đó dạy cho các con đủ các oai nghi tế hạnh. Là con người thì các con phải sống như vậy chứ không phải chỉ tu sĩ mới sống. Tất cả mọi người phải sống như vậy mới xứng đáng là con người. Nếu không có những hành động như vậy là không khác loài thú. Thầy xác định như vậy trong sách. Chúng ta là con người thì phải uốn nắn hành động tư tưởng sao cho thật sự là con người.
Đạo Phật dạy cho chúng ta rõ ràng các oai nghi tế hạnh, nếu chúng ta sơ suất thì sẽ bị người chê cười. Chúng ta tu thì phải học tập rèn luyện để có hành động đúng là chánh nghiệp chứ không phải là tà nghiệp được nữa để chúng ta thành con người thật sự là Người. Các con có phước mới được học lớp Bát Chánh Đạo, đó là chơn lí của con người. Đạo Đế là đạo của con người, dạy con người trở thành đúng là Người, không còn hành động của loài thú. Muốn thoát khỏi loài thú thì phải tập luyện. Nếu cha mẹ mình không tập luyện cho mình đi thì giờ này chắc chúng ta chỉ biết bò như các loài thú thôi. Đức Phật dạy cho chúng ta chánh ngữ, chánh nghiệp là những điều chơn chánh để chúng ta trở thành con người thật sự, không còn dính ảnh hưởng gì của loài động vật.
Tám lớp học của đạo Phật đưa chúng ta ra khỏi loài động vật, chúng ta làm chủ sự sống chết của chúng ta. Loài động vật làm sao làm chủ được cái này.
Chúng ta tu đâu phải để làm Phật, Thánh, Tiên gì mà chỉ để làm một con người thật sự là người.
Các con thấy ngôn ngữ con người lúc sơ khai đâu có dồi dào như bây giờ.
Trong thời đức Phật, ngôn ngữ đâu nhiều như thời chúng ta ngày nay. Mỗi năm ngôn ngữ tăng lên nhiều hơn. Các con thấy trong các bộ tự điển mỗi năm số từ được cập nhật thêm một số. Có nước ngôn ngữ tăng nhiều, có nước tăng ít. Cho nên chúng ta diễn tả lời nói ngày càng tăng.
Trong sự học chúng ta xây dựng chúng ta ngày càng trở nên con người thật sự là Người, mà Bát Chánh đạo chính là lớp đào tạo con người thật sự này. Từ con người thú trở thành con người thật sự thì đó là Thánh chứ còn gì nữa, đâu phải có ông Thánh từ đâu tới, không ai phù hộ chúng ta đâu, không có ông Phật nào hết. Khi chúng ta chết rồi thì thành một từ trường thanh thản an lạc vô sự, không phải còn con người như chúng ta nữa đâu.
Con người như chúng ta phải khác xa các loài vật ở chỗ có sự hiểu biết, ở chỗ có sự rèn luyện tập luyện, ở chỗ có hành động sống hằng ngày được tư duy, chúng ta mới trở thành con người thật sự. Chứ con người gì mà mở miệng ra nói những lời hung ác làm cho người khác khổ, làm cho mình khổ. Đó là con người gì?
CHỨNG ĐẠO KHÔNG CẦN THẦN THÔNG:
Cho nên hôm nay quyết tâm các con tu phải có người đạt để nói lên tiếng nói rằng đạo Phật có người tu làm chủ sanh tử được như vậy, chứ chúng ta không cần thần thông, chúng ta không có thần thông. Có người đòi xét lại Thầy Thông Lạc có Tam Minh không. Thầy trả lời chẳng có Tam Minh gì hết, mà chỉ biết Thầy làm chủ sanh già bệnh chết. Thầy có khả năng gì mà làm chủ được bốn sự đau khổ này thì các con đủ biết, khỏi cần nói Tam Minh trong này. Người không đủ 4 Thần Túc thì làm sao làm chủ được sự sống chết của họ, làm sao nhập định được? Cho nên ở đây đừng có hỏi xem thầy Thông Lạc có tàng hình biến hoá được không. Thầy không làm những việc như vậy cho các con coi đâu. Thầy Thông Lạc là thầy Thông Lạc chứ không phải là người có ba đầu chín tay đâu. Thầy vẫn là một con người bình thường ốm nhắt như que tăm thôi, lùn nhỏ thấp chứ chẳng cao lớn hơn ai. Hồi nào như thế thì nay cũng như thế mà chỉ suy yếu thêm thôi, sắp sửa ra đi rồi. Trong số các con trước mặt Thầy đây mà có người tu chứng thì thầy Thông Lạc yên tâm đi được rồi, chứ ở lại đây cực lắm, Thầy không ham đâu. Cuộc đời này không có chơn hạnh phúc đâu mà vì nổi khổ đau của chúng sanh nên Thầy còn lê gót phong trần chứ nếu không thì thầy đã bỏ đi mất từ lâu rồi. Thầy mong sao trong số nữ các con có người tu chứng là Thầy thích nhất.
TU TÂM XẢ:
Tu tâm xả thì pháp tác ý là đệ nhất pháp: “Tác ý một tướng khác tướng kia thì tướng kia bị diệt”. Tâm xả nhờ tác ý nhiều nhất. Khi xả rồi thì nó trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ, trở về trên thân các con chứ không chạy đi đâu hết, nó thấy thân rung động chứ không mất điều đó được. Các con lưu ý hai phần: phần xả là có chướng ngại thì xả, còn phần yên lặng thì nó ở đâu? Đó là hai phần rõ ràng của pháp tu tâm xả. Vậy phần yên lặng không chướng ngại thì nó phải ở trên thân nó. Lúc đó các con sẽ thấy nó rất tuyệt vời. Không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà nó lại nằm trên 4 Niệm Xứ. Nó thoi thóp, thoi thóp hoài ở đó, rồi khi có động thì nó nhảy ra tác ý xả. Tâm xả hay lắm. Khi có động thì nó xả. Bất kì động lớn động nhỏ gì nó cũng tỉnh táo vì nó đang ở trên thân. Nó rất tỉnh nhưng nó không nhiếp ở trên thân, không quán trên thân, mà tự nó ở trên thân. Bởi vậy nó là pháp độc nhất đi đến cứu cánh. Người tu quán thân theo 4 Niệm Xứ tới thì người tu tâm xả cũng tới như thường. Trên tâm xả hết thì nó cũng ở 4 Niệm Xứ nó tới. Dở hay hay cuối cùng đều trên 4 Niệm Xứ mà tới cứu cánh. Chỉ có 4 Niệm Xứ mới đưa ta tới cứu cánh thôi.
Pháp xả thì giặc tới mới đánh, không tới thì thôi. Mà đánh thì thắng chứ không bị bại. Dùng tri kiến đã được trang bị mà đánh thì làm sao thua được. Giặc sanh tử là hôn trầm, thùy miên, loạn tưởng, cảm thọ khổ ưu... Khi có một niệm gì trên thân thọ tâm của các con thì các con đều phải tu tâm xả chứ không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Quán thân theo 4 Niệm Xứ khi đã ôm pháp thì không có một niệm nào của giặc sanh tử xen vô trừ ra khi các con xả tu 4 Niệm Xứ. Nếu các con đang ở trên 4 Niệm Xứ mà có cảm thọ này kia thì các con phải tu tâm xả chứ không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ được. Có cảm thọ là vì các con nhiếp tâm có sai, tức là quán thân có cái gì quán chưa đúng cho nên không nhiếp phục được tham ưu. Nhiếp phục được thì làm sao còn bóng dáng giặc nào được. Chỉ quán sai hay sức quán không đủ mạnh; có nghĩa là sức con chỉ quán trong nửa giờ mà ngồi quán hơn 1 giờ thì số giờ sau nửa giờ đầu sức quán các con không đủ, quán trong sức tỉnh giác lờ mờ, thiếu sáng suốt tỉnh thức mới có giặc sanh tử xen vô.
Người tu quán thân theo 4 Niệm Xứ quán được thì nhiếp phục tham ưu, không còn chướng ngại. Nhiếp phục được thì không có chướng ngại nào làm động tâm người này được, không bao giờ còn giặc sanh tử trên thân tâm người này được. Khi tu đúng thì không bao giờ có ác pháp tác động vô được. Đã nhiếp phục tham ưu thì có gì chướng ngại nữa. Khi quán thân theo 4 Niệm Xứ thành thục thì lực nó rất mạnh, làm tan hết tất cả tham ưu chướng ngại.
Hôm nay Thầy giảng rõ tất cả mọi điểm để các con tự biết mình phải tu pháp nào, tu tâm xả hay tu quán thân 4 Niệm Xứ. Các con phải hiểu là cả hai pháp tu giống nhau không cái nào cao hơn cái nào, nhưng tâm xả thích hợp với người bị tưởng. Tu tâm xả để xả luôn cái tưởng chứ ngồi tu quán thân 4 Niệm Xứ rồi tưởng hiện ra phải trở về tu tâm xả thì lộn xộn pháp tu. Người không bị tưởng tu quán thân 4 Niệm Xứ 1 phút là một phút nhiếp vào thân thì không có một tham ưu nào xen vô, rồi 2 phút là 2 phút nhiếp thân, trọn thời gian của người này nhiếp phục hết tham ưu. Nếu các con không làm được vậy thì phải tu tâm xả. 4 Niệm Xứ là lớp thứ bảy trong 8 Chánh đạo, nó là Chánh Niệm.
Nó phải đầy đủ lực lượng giải phóng thân tâm để vào được Định, Chánh Định.
ĐÚC KẾT
Hôm nay các con đã biết được hết rồi thì các con bắt đầu trở về tập quán thân theo 4 Niệm Xứ lại. Tập sách mỏng nầy là phương tiện giúp các con rèn luyện làm chủ sự sống chết của các con. Tuy mỏng như vầy nhưng rất quý.
Các con muốn tu đúng thì nghiên cứu kỉ hai tập này, chúng cô đọng lại từ lớp học Chánh Kiến cho đến bây giờ để cho các con biết đường đi của chúng ta.
Chính vì những cái sai của các con mà có hai tập sách này, chứ nếu các con đều đúng hết thì không làm sao có chúng được. Thầy dạy mà các con không hiểu, các con tập theo thói quen của các con cho nên thành sai. Đã sai thì buộc lòng phải kiểm điểm cho nên mới được viết thành tập sách này để các con biết mà tập lại cho đúng. Tập lại được đúng thì phải mừng chứ sao lại buồn. Đừng nghĩ rằng từ hồi nào đến giờ ra công tu tập mà bây giờ theo hai tập sách này phải bỏ hết để tập theo cái này. Sai thì sao lại không chịu bỏ? Đi cà lết mà bảo đi cho thẳng thì không chịu, như vậy có đúng không?
Vậy hôm nay Thầy dạy kĩ rồi thì các con yên tâm tu cho tới nơi tới chốn.
Thật sự nếu không kiểm điểm thế này thì các con sẽ đi sai hết, cuối cùng lớp học đào tạo này chẳng có người tu chứng; chắc chắn là không có người tu chứng.