“Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua Tịnh Phạn, quần thần và dân chúng đón tiếp long trọng. Được nghe đức Phật thuyết pháp.
Vua chứng ngay Sơ quả (Tu Đà Hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai (Tư Đà Hàm) , còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả. Lần thứ ba đức Phật giảng kinh Dhammapala Jataka cho vua cha và vua cha chứng Thánh quả thứ ba (A Na Hàm). Sách kể rằng: sau này trên giường bệnh vua cha được đức Phật về thăm và giảng pháp. Lần nghe pháp cuối cùng này, vua chứng quả A La Hán. Và sau bảy ngày tận hưởng lạc thú giải thoát, vua qua đời vào năm đức Phật tròn 40 tuổi.” (Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 36 do HT Minh Châu biên soạn). Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy một người già như vua Tịnh Phạn khi nghe Phật thuyết pháp xong sống biết buông xả ly dục ly ác pháp liền chứng Sơ Quả; khi nghe bài pháp thứ hai liền chứng Nhị Quả; khi nghe bài pháp thứ ba liền chứng Tam Quả và lần nghe pháp cuối cũng đức Vua liền chứng quả A La Hán và nhập Niết Bàn. Như vậy Phật pháp đâu phải khó tu.
Tu khó là do các con chịu ảnh hưởng của Đại thừa và Thiền Tông, cứ lo tu tập ức chế ý thức cho hết vọng tưởng, nên tu khó và tu mãi chẳng đi đến đâu.
Thấy người xưa buông xả quá dễ dàng, còn ngày nay Thầy khô cổ giảng dạy sách tấn khích lệ các con buông xả:
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Các con không dám buông xả nên từ năm này đến năm khác tu cứ giậm chân tại chỗ. Nhất là các con lại hiều sai sự chứng đạo của Phật, nên có gắng ức chế tâm cho hết vọng tưởng như trên đã nói. Thành ra tu tập cho tới bây giờ mà chưa có người nào chứng quả A La Hán. Quả A La Hán, tu tập đâu có khó khăn như các đoạn kinh trên đã dạy. Thầy sẽ chứng minh thêm một phụ bản nữa để các con thấy sự chứng đạo của đạo Phật không có khó khăn.