“Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô; với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”. Đây là đề mục cuối cùng của Định Niệm Hơi Thở, khi tất cả các đề mục trên đều đã hoàn tất viên mãn thì đến đề mục này là tâm bất động hoàn toàn, có nghĩa là tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, tức là tâm ở trạng thái không phóng dật. Xưa Đức Phật đã xác định cho chúng ta biết trạng thái này là cứu cánh Niết Bàn: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành cũng đều nơi đó sinh ra”.
Đây là đề mục thứ 19 của Định Niệm Hơi Thở. Một đề mục chỉ cho trạng thái Niết Bàn: “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô; với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”. Khi tâm ở trong trạng thái bất động Niết Bàn thì tâm không phóng dật theo các pháp, nên tâm luôn luôn tự nhiên ở trên hơi thở ra hơi thở vào.
Cho nên câu tác ý: “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô; Với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra” chỉ rõ tâm bất động là luôn luôn biết hơi thở ra vào nhẹ nhàng êm ái mà không do dụng công chút nào cả, nếu còn dụng công để tâm biết hơi thở ra vào là chưa giải thoát.
Định Niệm Hơi Thở rất tuyệt vời, nếu người nào cứ theo đúng 19 đề mục của Định Niệm Hơi Thở này tu tập mỗi đề mục đều có kết quả thì đến đề mục thứ 19 sẽ nhập vào chỗ tâm bất động một cách dễ dàng. Chỗ tâm bất động là Niết Bàn, là cứu cánh của Phật giáo. Tác ý đề mục: “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô; với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra” này cũng như quý Phật tử tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”.
Đến đây 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở đã giảng xong, còn lại phần tu tập là phần của quý Phật tử. Chúng tôi chỉ là những người hướng đạo chỉ đường cho quý vị đi, nếu quý vị có đi thì quý vị đến chỗ an toàn còn không đi là quyền của quý vị chúng tôi không có quyền bắt buộc một người nào cả. Phật pháp là của chung của mọi người, không riêng của người nào cả.
Sau cùng chúng tôi kính chúc quý vị tu tập sớm đạt như ý.
HẾT