Hỏi 1: Bệnh viện hiện nay cũng có rất nhiều người hảo tâm, nhà từ thiện để giúp đỡ như nấu cơm, cháo, nước nóng, v.v... cho những người bệnh cũng như những thân nhân nuôi bệnh, để nhằm chia bớt đi sự đau khổ của họ phần nào. Vậy theo luật nhân quả, có phải những người làm từ thiện này đều có liên quan với những người trả nghiệp bệnh này không? Hay hành động của họ vẫn đựơc xem là tình thương yêu người tuyệt vời mà xã hội cần phải có?
Đáp: Theo qui luật nhân quả, nếu không có duyên nợ nhân quả với nhau trong tiền kiếp thì nhân quả đời nay không bao giờ gặp nhau.
Những người làm từ thiện ở các bệnh viện, hay bất cứ nơi đâu, do từ một tôn giáo tổ chức hay do một nhà từ thiện phát tâm làm công việc thiện này, nói làm việc thiện chứ thật ra là đang trả nghiệp quả đời trước đã vay với những người khác.
Những người làm từ thiện trong các bệnh viện là để giúp cho những người bệnh nhân cũng như giúp cho gia đình thân nhân bằng bát cháo, chén cơm và thực phẩm. Hiện giờ, chúng ta trông thì thật là họ làm từ thiện, nhưng đối với con mắt nhân quả thì nó không phải vậy. Họ đã vay nợ chén cơm, bát cháo của những người bệnh nhân trong bệnh viện Chợ Rẫy, bây giờ họ đang trả.
Nợ nhân quả từ thiện này không mất, dù một cái bánh, một trái cây, một bát cơm, một chén cháo, v.v... khi đem cho người khác thì kiếp sau họ phải trả và vay một trả mười.
Những người làm từ thiện tại các bệnh viện hôm nay là những người đang trả quả tiền kiếp, chứ đâu có gì là tuyệt vời. Vì tất cả những hành động làm thiện này đều nằm trong hữu lậu, tức là nằm trong qui luật nhân quả, nên không có hành động nào thoát ra ngoài qui luật nhân quả này.
Cho nên làm từ thiện trong hữu lậu là trả vay nợ nhân quả đời trước, chứ có làm từ thiện gì đâu. Chúng ta phải hiểu như vậy.
Đời trước vay một, đời nay trả mười, theo luật nhân quả không có ai trốn khỏi qui luật.
Các nhà từ thiện hôm nay là con nợ của nhiều người trong kiếp trước, nên dù muốn dù không cũng phải làm từ thiện, nếu không trả kiểu này (từ thiện) thì phải trả kiểu khác (bị trộm cắp cướp giựt, bị thất bại thua lỗ trong sự việc làm ăn như mua cổ phiếu, đánh bạc, đánh đề, vé số, cá ngựa, v.v...). Xin quý vị lưu ý: Trong cuộc đời này phải thấy nhân quả mới thấy đúng, vì trong ác có thiện mà trong thiện lại có ác. Cho nên thấy đúng sai là thấy không đúng, là hiểu không rõ. Con người đang bị năm màn ngăn che nên đang ở trong đêm đen tối mịt mù.
Hỏi 2: Những bác sĩ, thầy thuốc nam, thuốc bắc nghiên cứu, chế tạo ra những bài thuốc đại tài trị bệnh cứu người, mà có sự chết chóc của chúng sanh từ các loài động vật (voi, hổ...) cho tới các loài chim (chim sẻ, cút, đa đa...) hay các loài cá (trắm, chuối, chép...) như những đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh, đại y Hải Thượng Lãn Ông, v.v... thì công việc ấy có được gọi là bất thiện không?
Đáp: Đối với đạo Phật, sát hại chúng sinh để cứu người thì được xem họ là những người phi đạo đức. Chỉ biết nâng cao giá trị sự sống của con người mà không biết tôn trọng sự sống của loài vật là con người thiếu đức hiếu sinh, do đó chưa xứng đáng làm người, còn nói chi đến những bậc Thánh.
Cho nên từ Huê Đà Biểu Thước đến Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều là những con người phi nhân bản. Con người của đạo Phật mới thật sự là con người nhân bản. Con người của đạo Phật là con người của tình yêu thương, lấy đức hiếu sinh làm sự sống của mình và của mọi loài, nâng sự sống của muôn loài vạn vật lên bình đẳng ngang với sự sống của con người. Một con người còn giết hại và ăn thịt chúng sinh là con người phi nhân bản, con người còn mang gốc bản chất của loài động vật hung ác, chứ chưa được làm con vật hiền lành.
Những vị danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Huê Đà Biểu Thước được người đời ca ngợi từ xưa đến nay, là vì mọi người chưa thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả, nên họ không biết mới ca ngợi các vị ấy Thánh nhân. Thánh nhân gì mà xem thường sự sống sinh mạng của tất cả loài vật khác, bắt giết hại đem làm thuốc trị bệnh cho con người. Vì một mạng người sống mà phải đổi bao nhiêu mạng sống của con rắn thì thử hỏi thế gian này có công bằng hay không?
Do không biết đạo đức nhân bản - nhân quả nên xem thường những sự sống của các loài vật khác. Do không thông suốt đức hiếu sinh nên họ mới tôn xưng những bậc này là thần y, thánh y. Họ đâu biết rằng những thần y, thánh y của họ đang được tôn xưng chỉ là những con người sống phi đạo đức nhân bản. Những bậc này sống thiếu đức bình đẳng sự sống, họ chỉ ích kỷ vì con người, nên giết hại chúng sinh, ăn thịt và làm thuốc uống. Thật là những con người bất nhân vô đạo đức, sống làm người mà không có chút lòng yêu thương nên đáng trách, chứ không nên gọi là thần y, thánh y. Vì thần thánh sao lại không có lòng yêu thương mọi loài vạn vật; sao lại không có lòng yêu thương sự sống bình đẳng của con người và vạn vật.
Một sơ hở thiếu đức hạnh hiếu sinh của những bậc y nhân này nên không đáng làm gương cho chúng ta soi. Cho nên, tiêu chuẩn làm người của đạo Phật đã xác định và dạy rõ ràng: Nếu người nào sống thiếu năm tiêu chuẩn đạo đức nhân bản thì được xem là “Người thú”. Năm tiêu chuẩn này gồm có:
1- Đạo đức Hiếu sinh 2- Đạo đức Ly tham 3- Đạo đức Chung thủy 4- Đạo đức Thành thật 5- Đạo đức Minh mẫn Người có năm tiêu chuẩn đạo đức này mới thật sự là con người. Xin quý vị cần lưu ý, đây là đạo đức của loài người, mà con người có trách nhiệm và bổn phận phải sống đúng đức hạnh nhân bản mới thật sự là “Người thật là Người”.
Hỏi 3: Câu nói của người xưa “Nhất thế y, tam thế suy” có hợp lý với nhân quả không?
Hay chỉ là lời cảnh tỉnh trong ngành y đối với những Thầy thuốc thiếu đức hiếu sinh?
Đáp: Câu này chỉ răn nhắc những ông thầy thuốc kê toa cắt cổ thiên hạ. Người ta trong cơn bị đau bệnh, ông thầy thuốc nói bao nhiêu tiền một thang thuốc họ cũng trả không dám kèo nài, miễn sao bệnh hết mà thôi, dù có bán nhà bán đất cũng cam lòng chịu. Cho nên làm ông thầy thuốc bắc, thầy thuốc nam hay thầy thuốc tây “cắt cổ” người bệnh rất dễ dàng. Nếu làm thầy thuốc mà cắt cổ thiên hạ như vậy thì con cháu sau này sẽ suy vi nghèo khổ. “Nhất thế y, tam thế suy” có nghĩa là một đời làm thầy thuốc ba đời con cháu đều suy vi, làm ăn không lên.
Câu này chỉ xác định nhân quả hiện tại và tương lai của ông thấy thuốc “cắt cổ” bệnh nhân, chứ không nói nhân quả giết hại chúng sinh làm thuốc. Giết hại chúng sinh làm thuốc để cứu người thì ông thầy thuốc phải trả nhân quả giết hại chúng sinh. Còn người vì con vật làm thuốc mà trị hết bệnh đó là nhân quả đời trước, người bệnh này có gieo nhân quả dám hy sinh mình cứu người, nên con vật phải hy sinh mình để trả nhân quả đã vay đời trước.
Hỏi 4: Số đông con người bị một căn bệnh nào đó khi một bài thuốc hay, được người khác chỉ bảo sẽ trị hết bệnh là họ đi tìm ngay thuốc đó, dù có sự giết hại chúng sanh.
Nhờ dùng thuốc bằng thân xác chúng sinh mà những căn bệnh hết thật, nên những bài thuốc ấy được lưu truyền và ghi lại trong sách vở rõ ràng.
Ví dụ: Trị cảm mạo đầu phong lúc đầu đau, lúc đầu không đau và đau đầu một bên.
Muốn trị bệnh này bằng cách: bắt rắn hổ mang bỏ đầu đuôi 3 tấc và ruột, lột bỏ da, xương, lấy một lạng thịt xấy khô ngâm rượu...
(trang 144 Nam Dược Thần Hiệu Tuệ Tĩnh).
Vậy đối với Phật giáo sẽ giải thích vấn đề này như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Đối với Phật giáo, thà chết chớ không phạm giới sát sinh. Hai vị Tỳ kheo đi trong sa mạc để đến thăm đức Phật; một vị không uống nước có trùng nên đã chết giữa đường; còn một vị uống nước có trùng nên sống đến gặp Phật. Phật liền quở trách vị Tỳ kheo còn sống và khen ngợi vị Tỳ kheo chết vì giữ giới.
Ở đây giết rắn làm thuốc để trị bệnh mà sống thì Phật giáo sẽ không chấp nhận hành động ác này. Và xem đây là một nhân quả tiền kiếp trả vay mà người hiểu biết nhân quả rất sợ hãi.
Rắn kiếp trước làm một người chuyên bắt rắn cắt đầu, chặt đuôi, lấy mình lột da, lấy thịt làm thuốc trị bệnh cho thiên hạ, thì đời nay phải làm rắn cho người ta dựa vào toa thuốc trên cũng bắt rắn chặt đầu, đuôi, lột da lấy thịt làm thuốc như vậy cứu người, thành ra nhân quả thọ lấy quả khổ cho mình.
Quý vị có biết đâu, những con rắn bị bắt làm thuốc cho người trị bệnh là Hải Thượng Lãn Ông, là Tuệ Tĩnh hay Huê Đà Biểu Thước, vì sách thuốc của các ông biên soạn còn để lại chứng tích dạy người giết hại chúng sinh làm thuốc trị bệnh. Sao lại bất công như vậy, con người muốn sống sao lại cướp mạng sống của loài vật khác để mình sống như vậy có công bằng hay không?
Tưởng là giết loài vật làm thuốc cứu người, té ra rơi vào nhân quả phải làm rắn trong vô lượng đời kiếp để trả quả. Chừng nào những sách thuốc của các ông đã bị diệt sạch thì các ông mới hết kiếp làm rắn. Có ba hành động ác, đó là:
1- Ý nghĩ về việc ác 2- Miệng nói lời ác 3- Thân làm những điều ác Ý nghĩ về việc ác tức là viết sách nói những việc làm ác như:
1- Sách dạy cách thức nấu ăn bằng thịt chúng sinh.
2- Sách thuốc dạy giết hại chúng sinh làm thuốc trị bệnh.
3- Sách dạy làm súng, đạn, tên, ná, lưới, bẫy rập, câu giăng để săn bắn các loài thú, v.v... lưới rập, câu giăng để bắt cá tôm và tất cả loài thủy tộc, v.v...
4- Sách dạy chiến thuật, chiến lược đánh giặc, giết người như binh thư Tôn Võ Tử.
Sự sống của một con vật cũng giống như sự sống của một con người, dù con vật đó nhỏ bé như con kiến, con dế, con trùn, con sâu, con bọ, con rầy, v.v... Chỉ vì con người thiếu đạo đức hiếu sinh nên mới chà đạp lên sự sống loài vật khác, biến loài vật trở thành thực phẩm của con người. Thật là quá ác, chỉ vì sự sống ích kỷ hẹp hòi, nhỏ mọn của con người mà con người bất cần sự sống của người khác và loài vật khác. Vì tâm ích kỷ nhỏ mọn, hẹp hòi đó mà thế giới mới có chiến tranh, và nhà nhà mới có sự xung đột. Đó là một nỗi đau thương của loài người, chính vì con người không hiểu rõ nguyên nhân sinh ra sự xung đột và chiến tranh.
Khi nào loài người biết tôn trọng sự sống của mình, của người khác và của tất cả loài vật, thì sự xung đột và chiến tranh sẽ chấm dứt. Lúc bấy giờ con người mới thật sự có cuộc sống bình an, yên vui hạnh phúc, và thế giới mới có hòa bình, xã hội mới có trật tự an ninh, không còn những tệ nạn xã hội cướp của, giết người, không còn những tệ nạn mua dâm, bán dâm, v.v...
Nếu con người không còn giết hại và ăn thịt chúng sinh thì những bệnh tật hiểm nghèo không bao giờ có, và nếu có bệnh thì đó là những bệnh không đáng kể, vì do các pháp vô thường nên thân cũng vô thường, vì thế bệnh tật nhẹ nhàng, không cần phải thuốc thang gì mà bệnh cũng hết.
Cho nên, việc giết hại chúng sinh làm thuốc trị bệnh là một điều đi ngược lại nhân quả hiếu sinh. Vì thế các Ngài trị bệnh cho thiên hạ nhưng cuối cùng các Ngài cũng bị bệnh tật mà chết.
Thưa quý vị! Chính vì các vị danh y từ xưa đến nay họ không rõ luật nhân quả, vì không rõ luật nhân quả nên họ không biết gốc sinh ra bệnh tật, vì thế mà các Ngài cứ lo trị ngọn mà không trị gốc. Muốn trị gốc bệnh thì không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh. Đó là một thứ thuốc thần dược mà không ai biết.
Hỏi 5: Mới chép bài học đức cẩn thận giao thông, con xét lại kỳ sám hối vừa qua.
gần hầu hết quý tu sinh đều sám hối lỗi giẫm đạp chết chúng sinh (ốc, cuốn chiếu, kiến, v.v...) Đây là vấn đề thiếu đức cẩn thận trầm trọng phải không thưa Thầy? Tại sao mỗi kỳ sám hối lại phải nghe mãi nỗi thương xót này. Nếu pháp luật có đưa ra nạn giết chúng sinh như phạm tội giết người thì quý tu sinh sẽ trả lời sao? Vả lại luật nhân quả rất công bằng, con nghĩ hành động này cứ tái diễn mãi sẽ là một tệ nạn làm ách tắt giao thông trên lộ trình thành quả?
Đáp: Đúng vậy, người nào đi giẫm đạp lên chúng sinh là người thiếu đức cẩn thận. Một tu sĩ thiếu đức cẩn thận thì còn gì là oai nghi chánh hạnh. Bởi đức hạnh cẩn thận của người đệ tử Phật rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Một lần khi đã phát lồ sám hối là phải cố gắng hết mình giữ gìn sức tỉnh giác để tránh giẫm đạp lên chúng sinh. Thiếu sức tỉnh giác chỉ một chút xíu sơ sót là chúng ta đã đạp lên một con ốc nghe tiếng “rạo”, nhìn xuống chân thì một con ốc đã nát bấy chiếc vỏ. Lúc bấy giờ có hối hận cũng không còn kịp nữa, các con ạ! Một con ốc đã chết dưới bàn chân vô tình của chúng ta.
Hỡi quý tu sinh! Hãy cẩn thận dẹp bỏ tính vội vàng, luôn luôn phải tỉnh thức từng bước đi, từng lời nói và từng mọi sự tư duy. Hãy dẹp bỏ tính xem thường sinh mạng của loài chúng sinh, đừng xem thường chúng như cỏ rác. Hãy tôn trọng mạng sống của chúng, các con ạ!
Một mạng sống của con người cũng như mạng sống của một con vật, mỗi một con người mất đi cũng như mỗi một con vật khi đã mất đi thì không thể tìm thấy lại được sinh mạng của cả hai. Cho nên, mỗi khi chúng ta vô tình làm chết một con vật là làm mất một mạng sống trên hành tinh này, mất đi một mạng sống là không dễ tìm lại được.
Ví dụ: Như cha mẹ đã mất bây giờ chúng ta có tìm cha mẹ được không? Vĩnh viễn muôn đời các con ạ!
Một con ốc lỡ vô tình chúng ta thiếu đức tỉnh giác cẩn thận hiếu sinh giẫm đạp, làm chúng chết rồi chúng ta tìm con ốc đó có được không? Vĩnh viễn không các con ạ!
Một cái chết là mất đi không thể tìm lại được mạng sống đó nữa, dù cho muôn đời muôn kiếp cũng không bao giờ tìm lại được.
Biết rằng mạng sống của mọi vật rất giòn bở, cũng vì biết được như vậy mà chúng ta phải tôn trọng mạng sống của tất cả loài vật trên hành tinh.
Đã đến trước tượng đài của Phật và trước chúng tăng phát lồ sám hối mà còn để tái phạm, thì không những tội vô tình sát sinh mà còn một tội rất lớn hơn, đó là tội khinh thường đức Phật và chúng tăng. Tội ấy nặng nhất là tội hứa khắc phục không làm lỗi nữa mà cứ phạm lỗi. Đó là tội nói dối trước Phật và trước chúng tăng. Hứa mà không khắc phục tức là thất hứa, tự mình làm mất uy tín của mình với chúng tăng. Vậy còn mặt mũi nào nhìn hình ảnh Phật và chúng tăng. Hay là mặt chay mày đá, nên mới thản nhiên còn ra vào thấy mặt chúng tăng nữa.
Một người có đức biết xấu hổ thì chỉ một lần phạm lỗi là sau này không còn tái phạm nữa. Chỉ có những người không biết xấu hổ mới tái phạm.
Có những lỗi này chúng ta mới thấy người thời nay tu không chứng đạo là do đức hạnh giới luật không nghiêm chỉnh, và cũng không bao giờ biết sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt. Nhất là mặt chay mày đá, không biết xấu hổ nên mới để phạm lỗi như vậy. Chính vì vậy mà con đường tu tập không bao giờ đến nơi đến chốn được. Chứng quả A La Hán mà còn thiếu đức tỉnh thức hiếu sinh cẩn thận thì làm sao chứng quả A La Hán được.
Con người chỉ vì đắm mê dục lạc thế gian nên mê mờ làm mất sức tỉnh giác, để gây ra biết bao cảnh thương tâm và xót xa. Thật đáng trách vô cùng.
Khi phát lồ sám hối thì phải cố gắng giữ gìn đức cẩn thận đừng cho sai phạm những lỗi lầm đó nữa, và như vậy mới thật sự là người tu hành. Người tu hành mà cứ để sai phạm những lỗi lầm đó mãi mà không chịu sửa thì nên trở về đời sống thế gian, đời sống gia đình thì còn ít tội hơn là tu tập mà cứ phạm giới. Như vậy thì thật là xem thường giới luật đức hạnh của Phật giáo, thì còn theo Phật giáo tu hành để làm gì?
Hỏi 6: Bên ngoài công an giao thông sẽ quở phạt, giáo dục nếu người dân vi phạm luật giao thông, thế ở đây ngày sám hối tại sao chẳng nghe người có nhiệm vụ góp ý giáo dục gì cả, cứ để tình trạng này kéo dài mãi?
Đáp: Khi tăng đoàn đã thành lập xong, có tổ chức, có kỷ cương đi vào hoạt động, nếu ai còn vi phạm đến lần thứ ba đều phải tự nguyện, tự giác xin ra khỏi tăng đoàn. Nếu không tự nguyện, tự giác rời khỏi tăng đoàn, thì tăng đoàn sẽ họp chúng lại lấy biểu quyết của chúng tăng liền mời vị tu sĩ phạm giới không biết xấu hổ sửa lỗi ra khỏi tăng đoàn, mà không để tình trạng này kéo dài mãi mãi.
Nếu tăng đoàn không có tổ chức kỷ cương thì sự tu tập của chúng tăng chẳng đi đến đâu cả. Cho nên việc tổ chức Chơn Như đoàn rất cần thiết cho việc đào tạo những người tu chứng đạo. Vậy các con hãy chờ đợi, sẽ không còn bao lâu nữa, tu viện đang thay đổi mọi mặt chứ không còn là những lời nói suông.
Lần này tu viện chỉnh đốn được thì đó là phước báo của chúng sinh trên hành tinh này. Còn ngược lại, tu viện sẽ không tiếp nhận một người nào nữa cả, và Thầy cũng chấm dứt không dạy ai tu hành nữa. Nhân quả của loài người thì loài người chịu lấy.
Thầy không thể gánh vác nghiệp báo của loài người thì đành buông tay.
Hỏi 7: Hơn nữa tội nặng sẽ bị bấm bằng lái, nếu bấm ba lần thì bằng lái ấy sẽ không còn giá trị. Thế nhưng nhiều người dân vẫn vi phạm, tại sao họ không ý thức được điều này? Trong đạo cũng vậy, nếu 3 lần lầm lỗi không sửa sẽ bị trục xuất, thế mà người tu sĩ vi phạm họ vẫn tiếp tục sống trong đoàn thể.
Tất cả con xin Thầy chỉ dạy, để chúng con không mắc phải lầm lỗi trên nữa.
Đáp: Khi chấn chỉnh tăng đoàn đưa vào đời sống giới luật, thì ai còn vi phạm đều mời ra khỏi tăng đoàn không cho sinh hoạt trong tăng đoàn nữa. Tại sao vậy?
Vì đã nhiều lần phạm giới sát sinh, đi đứng thiếu tỉnh giác giẫm đạp làm chết loài chúng sinh mà không biết sửa lỗi. Lại nữa, giới hạnh độc cư sống không trọn vẹn hay đi nói chuyện với người này, với người khác và ngủ nghỉ phi thời, thì những tu sĩ ấy phải gạn bỏ ra.
Những tu sĩ phạm giới như vậy mà ở trong tăng đoàn của tu viện thì những người này còn tu tập được những gì? Cho nên, tăng đoàn họp tất cả tu sĩ, lấy ý kiến lập biên bản rồi mời những tu sĩ phạm giới mà không chịu sửa sai những lỗi lầm ra khỏi tăng đoàn.
Hôm nay chúng ta đã thành lập tăng đoàn, là mục đích bảo vệ những người tu sĩ chân chánh, giới hạnh nghiêm chỉnh đầy đủ oai nghi chánh hạnh. Cho nên hôm nay không còn như những ngày qua, tổ chức kỷ cương quá lỏng lẻo, khiến cho những người phạm giới gây ảnh hưởng xấu cho những người tu hành chân chánh.
Hỏi 8: Thực hiện chánh niệm tỉnh giác là vấn đề quan trọng của người tu sĩ Phật giáo.
Thế mà ở một số chùa có hàng tăng trẻ đá bóng, mấy cô ni cổ vũ, ăn uống vui cười cho là giải trí lợi ích sức khoẻ? Rồi phần đông quý thầy cô chạy xe trên đường phố từ hon đa, du lịch, v.v... nhiều khi chạy bất chấp luật giao thông. Những hành động này người tu sĩ Chơn Như sẽ trọn đời không phạm phải, phải không thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy tu sĩ tu viện Chơn Như không bao giờ vi phạm vào những oai nghi phi phạm hạnh này. Từ nay về sau mỗi tu sĩ và cư sĩ trong tu viện Chơn Như hằng ngày phải lo tập luyện chánh niệm tỉnh giác, nhất là đức hiếu sinh cẩn thận phải lập thành những hành động hàng đầu trong cuộc sống của người tu sĩ. Phải luôn sống với đức hạnh này, không nên để vi phạm những lỗi nhỏ nhặt như giẫm đạp lên các loài chúng sinh, làm cho chúng chết, thật là tội nghiệp vô cùng. Đó là một giới luật mà người tu sĩ cần phải lưu ý tu tập để không còn vi phạm nữa.
Đức HIẾU SINH CẨN THẬN sẽ đem lại an vui cho mình và cho mọi người. Có đức cẩn thận khi đi trên đường không bao giờ gây ra tai nạn giao thông. Chỉ vì thiếu cẩn thận nên đã gây ra biết bao nhiêu là đau khổ cho mình, cho người.
Muốn tai nạn giao thông không xảy ra nữa thì mọi người phải thấy trách nhiệm và bổn phận bảo vệ mạng sống và tài sản của mình và của người khác. Cho nên đức HIẾU SINH CẨN THẬN rất cần thiết, mọi người phải nêu cao đức hạnh này, không nên xem thường mỗi khi bước ra khỏi nhà. Nhất là tăng và ni cần phải giữ gìn nghiêm chỉnh hơn để thể hiện oai nghi chánh hạnh của người tu sĩ Phật giáo.
Trong những giới luật quan trọng có GIỚI ĐỨC PHÒNG HỘ SÁU CĂN. Giới phòng hộ sáu căn rất quan trọng trong việc tu hành chứng đạo, nếu ai vi phạm giới này thì tu hành chỉ phí công vô ích. Trong tu viện người nào không giữ hạnh độc cư là người không phòng hộ sáu căn. Tội không phòng hộ sáu căn là tội rất nặng, phá hạnh tu tập của mình và của mọi người. Người phá hạnh độc cư ba lần trong tăng, ni đoàn, nam, nữ cư sĩ đoàn thì lập biên bản mời ra khỏi đoàn. Vì những người này dù có để ở trong tu viện cũng không tu tập đến đâu cả. Đây là một giới luật quan trọng trong đời tu hành, xin quý vị lưu ý để tránh những sai lầm mà phí cả một đời tu tập.
Hỏi 9: Qua đức cẩn thận con nghĩ tâm sân giận, phiền não, lo lắng, buồn phiền, thù ghét, v.v... là ác pháp đã tác động đến tâm.
Vậy cũng xem là thiếu đức cẩn thận về ý nghĩ, không loại trừ ác pháp, có được không thưa Thầy? Hay dùng thiếu chánh niệm tỉnh giác là đúng nghĩa?
Đáp: Có TỈNH GIÁC thì mới có CẨN THẬN, không TỈNH GIÁC thì không CẨN THẬN. Tỉnh giác và cẩn thận không phải một mà hai, nhưng tuy hai mà một, chỉ vì chúng ta không có ngôn ngữ để chỉ nó cho dễ hiểu.
Những ưu tư lo lắng, buồn phiền, giận hờn, thương ghét, v.v... nếu tỉnh giác biết nó là ác pháp làm khổ mình, khổ người và làm khổ cả hai thì chúng ta đã xả bỏ, thì làm gì tâm còn ưu tư, lo lắng, buồn phiền, giận hờn, thương ghét nữa.
Cho nên người có tâm TỈNH GIÁC là có tâm CẨN THẬN. Có tâm cẩn thận thì thường xem xét từng niệm khởi trong tâm. Nhờ đó, khi thấy có niệm khởi là họ mau mau tác ý đẩy lui các niệm đó ngay liền, không để tâm bị động.
Nhờ sức TỈNH GIÁC mà ý thức CẨN THẬN xem xét xả từng niệm khởi, nên tâm được luôn luôn bất động VÔ LẬU. Nhờ có tu tập như vậy tâm mới chứng quả A La Hán (Vô lậu).
Cho nên, ở đây chúng ta phải hiểu: TỈNH GIÁC và CẨN THẬN là hai đức chứ không thể một được, nhưng có đức này thì có đức kia, và ngược lại cũng vậy.
Hỏi 10: Có tu sinh lý luận luật giao thông có trái phải hẳn hòi, nên ai xâm phạm là người đó sai, còn đối với động vật chúng sinh bò không kỷ cương gì cả, nên không tránh khỏi sự giẫm đạp. Vậy ý kiến này có đúng không, hay chỉ biện hộ cho hành vi thiếu đức cẩn thận?
Đáp: Đúng lời nói này là biện hộ, con người đi trên đường ngay hàng thẳng lối, có ai đi loạn xị xà ngầu đâu, thế mà tai nạn giao thông vẫn xảy ra. Tai nạn giao thông xảy ra là do con người thiếu đức CẨN THẬN, thường chạy quá tốc độ.
Chúng ta đi trên đường vì thiếu đức CẨN THẬN nên mới giậm đạp lên chúng sinh, nếu có đức CẨN THẬN và TỈNH GIÁC xem xét kỹ lưỡng từng bước đi, thì làm gì có giậm đạp lên chúng sinh.
Lời nói trên đây là lối lý luận che đậy tội lỗi do thiếu đức CẨN THẬN TỈNH GIÁC. Vậy mong sao mọi người sống vì mình, vì mọi người và vì tất chúng sinh mà hãy thực hiện đức CẨN THẬN TỈNH GIÁC, để đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh, thì hành tinh này là thiên đàng.
Hỏi 11: Cũng có tu sinh cho rằng ở nhà thế tục tiện nghi hơn (nhà cao tầng), nên đâu có vấn đề giẫm đạp chúng sanh, còn ở tu viện như một khu rừng thì làm sao tránh khỏi nạn giẫm đạp chúng sanh? Nên vì hoàn cảnh giới luật chắc cũng xí xóa? Điều này xin Thầy chỉ dạy?
Đáp: Đó cũng là một ý kiến của người lười biếng. Con người vốn không đủ sức TỈNH GIÁC nên tâm thường mê mờ trước mọi việc, mọi hoàn cảnh, mọi người, mọi vật, v.v... Vì thế, tâm luôn luôn bị động không được thanh thản, lúc giận, lúc hờn, lúc thương, lúc ghét, lúc lo lắng, lúc sợ hãi, lúc nghĩ điều này, lúc nghĩ điều khác, lúc cười, lúc khóc, lúc trách móc, lúc than thở, v.v... Cho nên đời khổ là vì thiếu đức TỈNH GIÁC. Vậy ở trong một khu rừng rất nhiều chúng sinh bò trên mặt đất là một nhân duyên để chúng ta tập luyện TỈNH THỨC, không phải có lợi lắm sao?
Khi tâm TỈNH THỨC không còn giậm đạp lên một chúng sinh nào cả, thì lúc bấy giờ cũng là lúc chúng ta không còn giận hờn thương ghét nữa, cũng là lúc tâm chúng ta bắt đầu VÔ LẬU.
Người tu tập theo Phật giáo rất cần phải có đức TỈNH GIÁC, nhờ có TỈNH GIÁC mới có CHÁNH NIỆM. Nếu thiếu TỈNH GIÁC nên con người luôn luôn ở trong TÀ NIỆM, vì sống trong TÀ NIỆM nên con người mới chịu biết bao nhiêu sự khổ đau. Chính sự xung đột và chiến tranh thường xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng do con người thiếu đức TỈNH GIÁC.
Đức TỈNH GIÁC rất quan trọng với con người mà con người không ngờ được, nếu có đức TỈNH GIÁC thì mọi sự xung đột và chiến tranh không có như trên đã nói; nếu có đức TỈNH GIÁC thì có sự giải thoát vì tâm dễ vô lậu. Ở đâu có TỈNH GIÁC ở đó TUỆ MINH, ở đâu có TUỆ MINH thì ở đó không có ác pháp xen vào tâm được. Cho nên thiếu đức TỈNH GIÁC là không có TUỆ MINH, không có TUỆ MINH thì ác pháp sẽ xâm chiếm tâm, khiến tâm nhiều đau khổ và phiền não...
Cho nên TỈNH GIÁC rất quan trọng như vậy, vì thế người tu sĩ hằng ngày siêng năng tu tập rèn luyện tâm TỈNH GIÁC. Chỉ có Tâm TỈNH GIÁC mới giúp cho con người thoát khổ, làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Cho nên muốn tu tập giải thoát mà không có tâm TỈNH GIÁC thì không bao giờ có giải thoát, xin quý vị lưu ý.
Hỏi 12: Mọi ý kiến trong lớp học đều là bài học cho con, hễ đúng là kinh nghiệm sống, còn không hợp lý cũng là bài học để xả tâm, tại sao vậy? Vì con xét lại có những ý kiến trái ý nghịch lòng, làm tâm mình khó chịu nên nó hay lý luận cho là dạy đời, nó phách lối cho họ chưa hiểu gì, cho họ nói sai, v.v... Con liệt kê vào những tâm bất thiện nên con đập cho nó một trận tơi bời. Nhờ vậy mà con khởi được tâm xem những tu sinh này như là vị thầy ân nhân của con vậy.
Thật lớp học lợi ích quá phải, không thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy, lớp học là một nơi trau dồi tri kiến giải thoát, giúp cho các con những gì chưa thông hiểu được thông hiểu; những gì chưa tu tập được tu tập; những gì chưa rèn luyện được rèn luyện; những gì chưa giải thoát được giải thoát.
Càng tham dự lớp học là kiến thức đạo đức được bồi dưỡng, làm cho tâm thấm nhuần trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả, nhờ đó mọi ác pháp không thể tác động vào tâm được. Đó là con đường tu học theo Phật giáo để đạt được quả VÔ LẬU.
Một mặt tu tập triển khai tri kiến giải thoát ngay trong các lớp học đạo đức giới luật; một mặt tu tập rèn luyện sức TỈNH THỨC để luôn luôn tâm bình tĩnh, sáng suốt trong CHÁNH NIỆM, để diệt trừ các ác pháp, các chướng ngại pháp, các tâm niệm tào lao, các tư duy tưởng giải. Nhờ có diệt trừ như vậy tâm mới bất động hoàn toàn.
Cho nên tham dự các lớp học giới luật đạo đức rất lợi ích cho đời sống tu tập giải thoát.
Vậy quý vị nên lưu ý.
Hỏi 13: Tu sĩ Chơn Như không sinh hoạt vào ngày thứ bảy nữa, nhưng còn giờ trưa ăn chung thì sao? Trong thời kỳ đức Phật tăng chúng có ăn chung như vậy không, thưa Thầy? Và thậm chí tu sĩ thời đức Phật có đi trai tăng như quý thầy, quý sư bên các hệ phái hiện giờ không?
Đáp: Trong thời đức Phật các vị tân Tỳ kheo đều được sự huấn luyện dạy dỗ của năm anh em Kiều Trần Như, ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên từ cách thức ăn uống đến những oai nghi chánh hạnh như: đi, đứng, nằm, ngồi cho đến các pháp tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác; các pháp phòng hộ sáu căn; các pháp tu tập xả tâm, các pháp tu tập giữ gìn tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ được sự huấn luyện tu tập của các vị đại đệ tử của Phật, nên 1250 vị Tỳ kheo đi vào nề nếp khuôn khổ, vì thế khi thọ trai cùng Phật rất nghiêm trang tề chỉnh.
Sự tổ chức trong đại tăng đoàn thời đức Phật chia ra làm nhiều tiểu tăng đoàn, mỗi tăng đoàn chỉ có 10 vị Tỳ kheo. Cho nên 1250 vị Tỳ kheo được chia ra làm 125 tiểu tăng đoàn. từ tiểu tăng đoàn 1 đến tiểu tăng đoàn 125, khi di chuyển đến một địa điểm khác thì tiểu tăng đoàn 1 đi trước, kế đó tiểu tăng đoàn 2 lần lượt cho đến tiểu tăng đoàn 125. Cho nên sự tổ chức có trật tự. Khi đức Phật muốn cho đại tăng đoàn di chuyển đến một nơi khác thì báo cho tiểu tăng đoàn 1 biết, và tăng đoàn 1 cho người thông báo cho tiểu tăng đoàn 2 biết, và tiểu tăng đoàn 2 báo cho tiểu tăng đoàn 3 biết, và cứ tiểu tăng đoàn này hay thì báo cho tiểu tăng đoàn kế biết, và như vậy chỉ có một lệnh truyền của Phật thì cả đại tăng đoàn đều biết rất nhanh chóng.
Mười vị Tỳ kheo trong mỗi tiểu tăng đoàn đều sinh hoạt theo nề nếp do một vị trưởng tiểu tăng đoàn điều hành, nhưng các trưởng tiểu tăng đoàn đều dưới sự chỉ đạo của các đại đệ tử Phật.
Câu hỏi trên của con: Phật có thọ thực chung với chúng tỳ kheo không?
Có, khi có một người cư sĩ hay một nhà vua đến xin cúng đường trai tăng Phật và chúng tỳ kheo, nếu đức Phật chấp nhận thọ trai thì thông báo cho toàn chúng biết địa điểm và giờ thọ trai. Khi đúng giờ, cả đại tăng đoàn của Phật đến nhà cư sĩ thọ trai.
Đó là lúc đức Phật ăn chung cùng chúng thánh tăng, còn những ngày khác đi khất thực về ăn thì không có ăn chung. Phật đi khất thực mang về thất hoặc tìm một nơi nào có bóng cây mát mẻ và yên tịnh thì ngồi xuống theo oai nghi chánh hạnh trong ăn uống riêng. Còn chúng tỳ kheo cũng vậy, ai khất thực thì cứ về kiếm nơi yên tĩnh ăn uống một mình nhưng không mất oai nghi chánh hạnh, chỉ khi nào có Phật tử mời cúng dường trai phạn thì mới đi thọ trai chung cùng Phật. Còn bình thường chỉ có sinh hoạt chung trong tiểu tăng đoàn mà thôi. Như vậy Thầy đã lời xong những câu hỏi của con.
Ngày xưa, đức Phật đã tổ chức một Đại tăng đoàn rất nghiêm chỉnh, nên đã làm cho vua A Xà Thế rất ngạc nhiên khi vào khu rừng nơi đức Phật và 1250 vị tỳ kheo ở. Tất cả đều im phăng phắc, không có một tiếng động nhỏ nào, đến nỗi sự im lặng một chiếc lá rơi mà nhà vua còn nghe được. Như vậy rõ ràng thời đức Phật chúng tỳ kheo sống độc cư 100 phần trăm, chứ không như chúng ta hiện giờ, chỉ có ít người mà phá hành độc cư đi nói chuyện. Đến lớp nói chuyện như tổ ong, giờ ra lớp cũng vậy, đi trên đường về thất cũng vậy. Sao tu sĩ thời nay nhiều chuyện quá vậy không bằng những tu sĩ trong thời đức Phật.
Thời nay dạy người giữ gìn hạnh độc cư sao khó quá vậy. Nếu không theo sự tổ chức có kỷ cương như Phật thì không bao giờ có người chứng quả vô lậu.
Từ đây bắt đầu tu viện Chơn Như sẽ tổ chức như thời đức Phật thì may ra mới có những người tu chứng.