TRẢ LỜI THẦY THIỆN TÂM

Hỏi 1: Kính thưa Thầy! Sau đây con xin được trình bày lên Thầy một số thắc mắc của chúng con gặp phải trong quá trình tu học, học tập tại lớp, cũng như trong sinh hoạt của Tăng đoàn. Kính xin thầy hoan hỷ và chỉ dạy giúp đỡ chúng con.
Kính thưa Thầy! Trong lớp học nếu gặp các tình huống như sau đây, thì người đứng lớp nên xử sự như thế nào cho hợp lý.
Có một số tu sinh thỉnh thoảng về tu viện, có vào dự lớp học một thời gian rồi lại ra đi.
Khi đến lớp dự cũng như khi ra đi đều không có sự trình bày gì với lớp cả, lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy.

Đáp: Lớp học không phải là cái chợ, ai muốn đến, muốn đi hồi nào cũng được. Ở đây là lớp tu học để làm chủ sinh, già, bệnh, chết; là một trường huấn luyện quân sự để tác chiến với giặc sinh tử. Cho nên lớp học phải có kỷ cương hẳn hoi. Người nào quyết tâm tu tập làm chủ sinh tử thì đăng ký học tập, còn không thì thôi, chứ không được ra vào vô kỷ luật làm động lớp học và ảnh hưởng xấu cho các tu sinh khác.
Con hãy đọc những câu trả lời của Thầy trước tăng sinh và gửi cho những vị tăng hay cư sĩ thiếu kỷ luật học đường, và họp chúng lấy ý kiến tập thể mời những tu sĩ và cư sĩ này ra khỏi lớp học.
Hỏi 2: Có một số tu sinh theo tu học và đến lớp học đã lâu, nhưng hay nghỉ học đột xuất, có khi thì nhắn gởi lại, có khi thì không. Nói chung là không có sự thông báo trước cho lớp và người đứng lớp, và thường diễn ra.
Thưa Thầy, đối với những trường hợp trên đây thì người đứng lớp nên xử sự như thế nào? Có nên cho một số quy định về việc ở tu, dự lớp học, đi lại nghỉ phép cho toàn tu viện, để mọi người có một nề nếp chung thể hiện tính văn minh lịch sự, văn hóa, nhất là những người mới đến?

Đáp: Con hãy đặt ra một số quy định cụ thể rõ ràng để điều khiển lớp học, nếu lớp học không kỷ luật thì tu sinh coi thường.
Con hãy lập một sổ điểm danh, nếu người nào vắng mặt ba lần không xin phép, không lý do, thì không cho dự vào lớp học nữa, mời tu sinh ra khỏi lớp học. Thà không có người tu học còn hơn có người tu học mà vô kỷ luật, thành ra sự đào tạo người tu chứng không bao giờ đạt được kết quả. Những tu sĩ đến đây tu học là tự họ làm lợi ích cho họ, chứ họ có làm lợi ích cho ai đâu. Cho nên lớp học cần phải loại bỏ những thành phần vô kỷ luật. Ngoài đời người ta còn không dùng những người này thì trong đạo cũng không thể giúp họ được, những gì khi họ tạo nhân như vậy thì quả họ phải gặt lấy mất tín nhiệm.
Hỏi 3: Trong lớp học tu sinh có được phép quay phim chụp hình không? Nhất là đang buổi học mà không có trình bày lý do gì cả.
Cũng không phải là khách tham quan đột xuất.
Khi người đứng lớp góp ý thì tu sinh cho rằng đó là tạo chướng ngại để tập các tu sinh làm quen, khi bị người khác chụp hình khỏi bị bối rối?
Trong trường hợp này người đứng lớp nên xử sự như thế nào?
Việc này đã xảy ra lâu rồi, nhưng vì xảy nhiều lần nên con xin được nêu lại đây để nhờ Thầy chỉ dạy và giúp đỡ thêm, để rút kinh nghiệm sau này.

Đáp: Trong lớp, giờ đang học là tất cả tu sinh đều tập trung sự học tập, nếu có người quay phim hay chụp hình mà không xin phép trước thì không cho quay phim và chụp hình.
Vì có xin phép nên người đứng lớp đã báo cáo cho tu sinh biết để tinh thần không phân tâm.
Trong giờ học, người đứng lớp có quyền toàn diện, vì là giờ người đứng lớp có trách nhiệm truyền đạt những tư tưởng hiểu biết của mình cho người khác, thì bất cứ một người nào vào làm động lớp học đều có quyền ngăn cản, vì những hành động quay phim, chụp ảnh là làm mất sự tập trung tu học của các tu sinh.
Lớp học của chúng ta là lớp học để tu tập, cho nên lớp học cần có kỷ luật hơn. Trong giờ học tu sinh có người thân đến thăm thì cũng phải chờ tan học mới gặp nhau, chứ người thân không được vào lớp, phải ở nhà khách chờ đợi.
Các vị khách tăng cũng vậy, không được tự nhiên vào lớp học dự thính. Tu sinh trong lớp học cũng vậy, không được đưa bạn bè vào lớp học dự thính.
Nói chung, những tu sinh có đăng ký mới được học, còn không đăng ký thì không được học. Ở lớp học này không cho ai dự thính cả.
Đây là lớp học đào tạo người tu chứng nên phải chọn người rất kỹ, nhất là những người chấp hành kỷ luật của lớp học thì mới chấp nhận cho tu học, còn những người không chấp hành kỷ luật trong lớp học thì mời họ ra khỏi lớp học. Không nên nhân nhượng người quen kẻ lạ, mà cứ lấy kỷ luật làm nền tảng lớp học. Nhờ đó mới mong đào tạo người tu chứng đạo.
Trong lớp học tu sinh không được quay phim chụp ảnh, nếu có quay phim chụp ảnh thì hãy xin phép người đứng lớp trước một ngày. Nếu người đứng lớp cho phép, còn không cho phép thì chỉ nên quay phim chụp ảnh trước hay sau giờ học, chứ không được vào lớp học làm động.
Nếu gặp trường hợp này, người đứng lớp ra lệnh: “Tôi làm theo lệnh của Trưởng Lão, không cho bất cứ một người nào vào lớp học quay phim và chụp ảnh, đó là để bảo vệ sự  học tập của tu sinh”.
Hỏi 4: Tu sinh chúng con vừa tu tập vừa nghiên cứu và sử dụng thêm vi tính thì có ảnh hưởng xấu hay trở ngại gì cho sự tu tập không? Thời gian để sử dụng hợp lý nhất là trong những lúc nào? Nếu gặp lúc đang dở dang nên làm xong, cả trong thời gian dành cho tu tập trong bốn thời thì có vi phạm gì không? Xin Thầy chỉ dạy để chúng con có sự nhận định được minh bạch hơn.
Đáp: Tu sinh vừa học tập vừa nghiên cứu và sử dụng máy vi tính không có ảnh hưởng xấu mà có lợi ích sau này. Nhưng thời gian phải có qui định, mỗi tuần lễ học vi tính mấy ngày và vào giờ nào, chứ không phải giờ nào này nào cũng ôm máy vi tính. Ở tu viện có giờ học tập giới luật đạo đức, có giờ tu tập xả tâm, có giờ nghiên cứu vi tính, có giờ lao tác, v.v... Giờ nào phải làm việc và học tập theo giờ đó, chứ không được giờ này làm và học tâp việc khác thì không được. Giờ giấc phải theo thời khóa tu học rõ ràng, chứ không phải giờ nào cũng ôm máy vi tính thì tu viện không chấp nhận.
Người tu sĩ khi làm công việc này chưa xong mà hết giờ thì nghỉ ngay liền, chứ không được làm leo qua giờ khác, vì làm leo  qua giờ khác như vậy là tập thành thói quen làm việc và học tập không có thứ tự. Người học tập và làm việc như vậy không bao giờ thành công trong công việc lớn.
Những việc này cũng là sự tu học để xây dựng cho mình có một lối sống nghiêm chỉnh giờ khắc, và biết quý trọng thời gian học tập cùng việc làm của mình có trật tự.
Hỏi 5: Khi chúng con học tập các bài học Thầy dạy, và nghe những lời dạy bảo của Thầy thì có khi chúng con thấy những bài học này dạy về cách cúng dường đúng đắn, hoặc sự tai hại khi ăn thịt giết hại chúng sanh, hoặc mối quan hệ giữa các chúng sanh sống quanh mình lại là ông bà cha mẹ quá khứ... Chúng con cảm thấy hay quá, mới lạ quá, nên nảy ra ý nghĩ và muốn giúp cho những người thân cũng được hiểu biết thêm để tránh bớt đi sự tai hại cho gia đình. Vậy thì đối với người đi tu xuất gia như chúng con làm những việc trên đây có phải là giúp đỡ những người thân trên đức hiếu sinh không, hay là bị phóng dật, và như vậy là có phù hợp không?
Cũng có người trong chúng con bảo rằng làm như vậy giúp cho những người thân trong gia đình hiểu hơn về sự tu tập của Chơn Như để yên tâm và không phiền người xuất gia nữa! Liệu chúng con suy nghĩ như vậy là có đúng không, hay bị sai lạc ở điểm nào vậy?

Đáp: Gia đình là một chùm nhân quả, tại sao chúng ta biết được cái hay, cái có lợi ích thiết thực cho đời sống mọi người mà chúng ta không gửi về cho những người thân của mình để học tập, rèn luyện đạo đức sống được an vui và hạnh phúc hơn.
Đâu phải lúc nào Thầy cũng giảng dạy, mà khi giảng dạy là duyên của chúng sinh, trong đó có những ngưởi thân gia đình của các con.
Như vậy, việc gửi bài về cho những người thân trong gia đình là cần thiết.
Việc làm đó đâu phải là việc phóng dật, trong khi các con còn đang học tập chưa phải lúc tu tập thiền định Tứ Niệm Xứ. Chừng nào các con nhập thất kín để kéo dài trạng thái bất động tâm thì không còn được gửi thư từ gì cả. Vì lúc bấy giờ còn gửi thư từ là tâm phóng dật phá hạnh độc cư. Giai đoạn tu tập nào thì phải sử dụng đúng pháp ở giai đoạn đó, tu tập lớp nào ra lớp nấy, không được tu tập lu bù chẳng biết mình đang tu tập lớp nào? Và đang tu tập pháp môn nào? Ở đây sự tu học có lớp lang thứ bậc, có lớp cao có lớp  thấp, chứ đâu phải người mới tu cũng như người tu lâu năm chỉ tu tập có một pháp. Khi tu tập các con cần phải hiểu cho rõ ràng lớp tu học và pháp môn tu học, chứ không phải tu học như Tịnh Độ tông, người mới vào tu cũng niệm Phật, người tu lâu năm cũng niệm Phật. Vậy Tam Vô Lậu Học: Giới, Định, Tuệ và Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định để làm gì đây?
Hỏi 6: Xin Thầy chỉ dạy thêm về cách xưng hô giữa chúng con trong Tăng đoàn với nhau như thế nào cho phù hợp hơn? Trong thư Thầy dạy người tu sĩ xưng với gia đình người thân bằng “THẦY”, vây chúng con thưa hỏi với nhau có nên dùng “THẦY” được không? Có điều là hiện nay chúng con mặc y áo theo kiểu Nam tông thì có quan hệ gì với danh xưng là “THẦY” không? Vậy chúng con hiện đang lúng túng về cách thưa hỏi nhau để gọi sao cho phù hợp. Trước đây trong giáo án Thầy có dạy, khi thấy một người mặc y vấn Nam tông thì gọi bằng “SƯ”, nhưng Thầy chưa dạy là nếu chúng con ăn mặc như vậy thì gọi với nhau là như thế nào? Vậy kính xin Thầy hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng con biết cách xưng hô cho đúng.
Đáp: Đối với người thân trong gia đình thì cách thức xưng hô cha mẹ, cô bác cậu dì thì gọi y như vậy, chỉ có xưng mình là THẦY.
Còn riêng tu sinh xưng hô trực tiếp với tu sinh khác thì gọi bằng “THẦY” và tự xưng pháp danh mình, chứ không được tự xưng mình là “THẦY”.
Danh từ “SƯ” và danh từ “THẦY” Thầy đã giải thích cho các con rồi. Tuy ăn mặc y áo Nam tông nhưng các con xưng hô vói nhau bằng THẦY là giữ gìn tinh thần đạo lý của dân tộc Việt Nam, “Thầy Trời Người” mà đức Phật dạy: “Thiên Nhân Chi Đạo Sư”. Các con không nên gọi nhau bằng SƯ mà gọi nhau bằng THẦY, vừa đúng ngôn ngữ và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam.
Trong giáo án Thầy có dạy thấy một người mặc y áo Nam tông gọi họ là SƯ. Đó là để phân biệt với các thầy Đại thừa. “SƯ” là để chỉ cho các vị tu hành theo Nam tông; “THẦY” là để chỉ cho các vị tu hành theo Bắc tông (Đại thừa).
Tăng đoàn của chúng ta là Tăng đoàn Chơn Như xuất phát từ đất nước Việt Nam, mặc y áo của Phật nhưng xưng hô theo Việt Nam chứ không chấp nhận bị đồng hóa, ảnh hưởng và bắt chước xưng hô theo một hệ phái  Phật giáo nào.
Hỏi 7: Khi chúng con đi khất thực, lúc đi ngang người Trưởng đoàn thì có nên đứng lại cúi chào không? Hay chỉ dừng lại đứng im một tí mà thôi? Và khi đi khất thực người Trưởng đoàn vào khất thực trước rồi ra đứng đợi cả đoàn?
Đáp: Khi đi khất thực hay bất cứ lúc nào gặp người Trưởng đoàn đều đứng lại cúi đầu chào một cách cung kính trân trọng. Vì người Trưởng đoàn giúp cho đoàn viên sống trong kỷ luật của đoàn.

Khi khất thực xong người Trưởng đoàn đứng đợi các đoàn viên tại một điểm đợi về, khi người đoàn viên cuối cùng khất thực xong, cả đoàn liền đi đến điểm đợi đi khất thực, từ điểm đó mọi đoàn viên mới về thất thọ trai.
Hỏi 8: Chúng con xin Thầy chỉ dạy thêm:
Người Trưởng tăng đoàn có trách nhiệm và bổn phận như thế nào đối với đoàn?

Đáp: Người Trưởng đoàn là người có công giữ gìn cho đoàn viên sinh hoạt có trật tự, đi vào nề nếp kỷ luật của đoàn, để tất cả đoàn viên khép mình trong khuôn khổ tu tập đến nơi đến chốn.
Trách niệm và bổn phận của Trưởng đoàn Thầy đã dạy rồi, các con hãy đọc lại tập sách “”, trong đó đều dạy rất rõ ràng.
Hỏi 9: Vì con thấy ở đây lúc nào vị Trưởng đoàn cũng hỏi ý kiến của đoàn, chứ không dám tự ý quyết định hay chủ động đưa ra ý kiến quyết định một điều gì cả. Con nghĩ, có lẽ do vị Trưởng đoàn chưa được rõ trách nhiệm của mình chăng?
Đáp: Vị Trưởng đoàn của các con giữ gìn tính khiêm hạ nên đều hỏi mọi ý kiến của các con, đấy là đức hạnh hạ mình diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp rất quý báu.
Bởi vì Trưởng đoàn của các con đều thông suốt pháp LỤC HÒA, THẬP GIỚI SA DI, BA ĐỨC và BA HẠNH. Đã thông suốt lục hòa, thập giới Sa di, ba đức và ba hạnh thì trách nhiệm của Trưởng đoàn là nơi đó, có gì mà chưa rõ.
Trong Tăng đoàn đều dựa vào 10 giới Sa di, lục hòa, ba đức và ba hạnh mà sinh hoạt, thì Tăng đoàn sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Còn có những gì phát sinh thì Trưởng đoàn đều hỏi Thầy.
Các con yên tâm, nếu Tăng đoàn có điều gì sai thì Thầy sẽ góp ý sửa sai, nếu đoàn  viên không sửa sai những lỗi lầm thì tập thể Tăng đoàn bầu thăm kín, hay phát biểu bầu bằng cách đưa tay chấp nhận, mời tu sĩ đó ra khỏi Tăng đoàn. Bởi vì Tăng đoàn là một tập thể nên có một sức mạnh rất lớn. Đoàn kết, đoàn kết là một sức mạnh của tăng đoàn.
Vậy các con hãy sống đoàn kết với nhau để việc tu hành sẽ mau chứng đạo.
Hỏi 10: Thưa Thầy, ngày sinh hoạt hằng tuần của Tăng đoàn là nhằm mục đích gì và sinh hoạt theo nội dung nào để đạt chất lượng tốt nhất?
Đáp: Theo Thầy biết, hằng tuần bên phái khất sĩ Việt Nam có một ngày sinh hoạt, ngày ấy gọi là ngày “CÚNG HỘI”, ngày ấy Phật tử câu hội về tịnh xá đông đảo, làm một bữa cơm chay thịnh soạn cúng dường trai tăng các sư, và cũng ngày ấy là ngày các sư thuyết giảng kinh cho Phật tử nghe.
Mục đích của ngày CÚNG HỘI này là ngày thuyết pháp của các sư, chứ không phải là ngày sinh hoạt đoàn, nhưng các sư tập trung lại nhiều sư để tạo buổi thuyết giảng long trọng, đó là cách thức tạo lòng tin cho tín đồ.
Mỗi tuần lấy ngày CÚNG HỘI mà sinh hoạt Tăng đoàn là không đúng nghĩa. Vậy các con nên bỏ ngày cúng hội này, để lo tu  tập xả tâm trong thất thì có lợi ích cho các con nhiều hơn.
Mỗi tháng Tăng đoàn chỉ có sinh hoạt hai ngày tập hợp, ngày 14 và ngày 30 để phát lồ sám hối, ăn năn sửa những lỗi lầm. Đó là tập hợp có mục đích thiết thực cụ thể, đem lại lợi ích cho mình cho người, và sự tu học ngày càng tiến bộ hơn.
Hỏi 11: Khi phát lồ sám hối, chúng con muốn đóng góp ý kiến để xây dựng cho bạn đồng tu của mình thì nên căn cứ vào đâu? Có phải dựa vào Thanh quy tu viện, 3 đức, 3 hạnh và 10 giới Sa di không? Hay có còn căn cứ vào điều nào khác nữa không? Con kính xin Thầy từ bi chỉ dạy để giúp chúng con được sáng tỏ hơn.
Đáp: Trong ngày phát lồ sám hối, muốn phát biểu ý kiến thì nên dựa vào “THANH QUI TU VIỆN CHƠN NHƯ”, BA ĐỨC, BA HẠNH và “CHÍN ĐIỀU CẦN TU TẬP HẰNG NGÀY” mà góp ý, thì sẽ xây dựng Tăng đoàn tốt đẹp.
Hỏi 12: Có tu sinh nêu ý kiến, rằng trong môi trường sống chung thì việc giữ vệ sinh ăn uống là rất quan trọng, nếu có một ai đó mắc bệnh truyền nhiễm mà không để khay hộp riêng ra thì có thể ảnh hưởng đến những người khác. Vậy đều tốt nhất là nên để riêng khay hộp đựng thức ăn của từng người và đánh dấu riêng (số thất chẳng hạn) để giữ vệ sinh chung.
Đáp: Ý kiến này rất hay, Thầy xin thành thật cảm ơn con. Đó cũng là để thực hiện oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Chơn Như.
Người tu sĩ của tu viện Chơn Như tu tập sống đời khất sĩ, nên tập đi khất thực trong bát.
Tất cả cơm và thực phẩm khô đều cho vào bát, còn trái cây và bánh thì bỏ vào túi bát, canh thì cho vào một chiếc hộp nhỏ có dán tên người khất sĩ. Tất cả những thực phẩm này gọn gàng cho vào túi bát, xỏ vào vai, y thượng phủ lại kín đáo, rồi nhẹ nhàng bước đi về thất thọ trai.
Hỏi 13: Như vậy, liệu sự lo xa của tu sinh ấy là có phải quá đáng lắm không, thưa Thầy? Con có nghe Thầy dạy trước đây rằng người ta có khả năng tự miễn dịch, nếu lo sợ quá rất dễ bị bệnh. Có phải vậy không thưa Thầy? Hay là do con quá chủ quan không?
Đáp: Đúng, là ý kiến đó có lo xa, nhưng trên thực tế mỗi người đều phải biết giữ gìn đức vệ sinh đời sống, không những đời sống mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Đấy là trách nhiệm bổn phận của mỗi con người  phải sống có vệ sinh. Thầy sẽ góp ý kiến này với cô Diệu Quang.
Cơ thể của con người có khả năng tự miễn dịch, nhưng nếu tinh thần con người quá sợ hãi thì sự miễn dịch ấy sẽ yếu kém đi. Còn giữ gìn đức vệ sinh như vậy thì tinh thần không bị giao động, nhờ đó sức đề kháng của cơ thể sẽ mạnh hơn. Theo phương châm vệ sinh “ngừa bệnh hơn trị bệnh”. Đó là một điều tốt chúng ta cần phải giữ gìn, không nên xem thường. Chính nhờ giữ đức vệ sinh này mà oai nghi tế hạnh đi khất thực được gọn gàng kín đáo.
Hỏi 14: Khi hai người đi ngược chiều nhau trong tu viện, nếu một người mắc mang xách một vật gì không thể chấp tay được (như bình thủy chẳng hạn) thì có nên đứng lại và cúi chào không? Hay chỉ nên đứng im?
Đáp: Nên đứng lại cúi đầu chào, đó là lễ độ cung cách của một người có đạo đức, còn đứng im không chào là không đúng phong cách đạo đức nên thiếu lễ độ.
Hỏi 15: Cũng như trong đoàn đi khất thực, khi một tăng sinh đi ngang vị Trưởng đoàn có nên đứng lại khẽ cúi đầu chào không, hay chỉ đứng im?
Đáp: Khi đi khất thực trong đoàn thì có Trưởng đoàn điều hành Tăng đoàn, thì nên đi nghiêm chỉnh theo đoàn, còn Trưởng đoàn có đi tới đi lui để hướng dẫn đoàn thì đoàn viên không nên đứng lại chào, vì chào như vậy không đúng cách.
Hỏi 16: Đối với một số tu sinh lớn tuổi là cư sĩ đi lại khất thực hơi chậm chạp khó khăn, thì có nên đi khất thực trước giờ quy định (10 giờ) không? Nên cách khoảng bao nhiêu phút thì phù hợp?
Đáp: Đi khất thực trong đoàn thì đi khoan thai nhẹ nhàng, không nhanh mà cũng không chậm, khi đi cũng như khi về, nếu trong đoàn có các cụ lớn tuổi đi chậm thì nên chia ra cho các cụ đi khất thực trước 10 phút, sau đó đoàn mới đi khất thực.
Ở đây, nếu có cư sĩ thì các con chia ra làm hai đoàn:
1- Tăng đoàn 2- Nam cư sĩ đoàn

Tăng đoàn đi khất thực theo Tăng đoàn, và Cư sĩ đoàn đi khất thực theo Cư sĩ đoàn, không thể sinh hoạt chung như vậy rất khó khăn, vì y áo không hòa hợp, vì giới luật cư sĩ thọ chưa tròn đủ. Cho nên sinh hoạt trong  Tăng đoàn thì cư sĩ sẽ phạm những giới luật nhỏ nhặt như: y áo không đồng phục, oai nghi tế hạnh chưa thông suốt, v.v...
Hỏi 17: Con nhận thấy đối với các tổ chức đoàn thể, trường học ngoài xã hội, khi một thành viên muốn rời khỏi, hoặc xin nghỉ một thời gian thì họ phải xin phép trước ít nhất là 1 ngày. Còn ở đây con nhận thấy có những tu sinh, đến khi rời khỏi tu viện mới đến báo cáo với cô Diệu Quang, như vậy con thấy rằng hành động ấy thiếu đi sự tôn trọng tổ chức (trừ trường hợp quá đột xuất, không lường trước được), nhất là trường học đào tạo đạo đức con người. Vì vậy có thể có nên có một số quy định chung, để những người mới đến tu viện biết được thực hành theo không?
Hay là con quá khe khắt chăng? Kính thưa Thầy, trên đây là một số vấn đề thắc mắc mà chúng con chưa được thông suốt, vậy kính xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy thêm, để giúp chúng con được thông tỏ và biết cách ứng xử tốt hơn trong đời sống tu học của mình; để không phải vi phạm lầm lỗi. Ngoài ra còn có những vấn đề gì nữa mà chúng con còn bị sơ sót, nhưng chúng con không để ý thì cũng kính mong Thầy hoan hỉ chỉ dạy thêm để chúng con được rõ hơn. Chúng con thành thật cảm ơn Thầy nhiều.
 Con xin kính lễ Thầy. Kính thư! Con, Thiện Tâm.

Đáp: Ở đây, không phải con quá khắt khe, mà con nói rất đúng, vì trong một tổ chức nào hay một tập thể nào, nhất là trường học mà lại là trường học đạo đức, thì phải dựa theo Thanh qui của tu viện. Vậy mà bước qua giai đoạn tu tập thiền định Tứ Niệm Xứ để thực hiện sự làm chủ sinh tử để đến nơi đến chốn thì còn phải đòi hỏi có một số quy định để Tăng đoàn đi vào nề nếp chánh hạnh. Bởi càng tu cao thì có những oai nghi chánh hạnh càng phải giữ gìn nghiêm chỉnh và cho trọn vẹn không được sơ sót.
Tu viện Chơn Như đã có Thanh qui, vì thế sự sinh hoạt trong lớp học cũng lấy Thanh qui làm nền tảng kỷ luật của cuộc sống. Cho nên có Thanh qui, tu sĩ nào làm sai đều lấy Thanh qui chỉnh đốn lại, nếu không sửa đổi là một tu sĩ vô kỷ luật, mà đã vô kỷ luật thì họp chúng lập biên bản, mời ra khỏi Tăng đoàn.