Hỏi 1: Buổi lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối mỗi tháng hai lần vào ngày 14 và ngày 30 và tổ chức vào ban đêm, lúc bắt đầu buổi lễ là 7 giờ tối. Giờ này gặp nhiều trở ngại như:
- Ban đêm cúp điện.
- Trời hay mưa đường xá trơn trợn, ốc, kiến, cuốn chiếu và mối bay vào rất nhiều nên cũng gặp khó khăn.
Kính xin Thầy cho dời thời gian thay vì buổi tối thì cho làm lễ vào buổi chiều ngày ấy được không, như vậy có phạm giới không thưa Thầy?
Đáp: Các con tổ chức buổi lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối vào buổi tối, đó là các con bị ảnh hưởng Đại thừa tụng kinh Hồng Danh sám hối vào tối ngày 14 và 30 mỗi tháng. Ở đây là tự giác thỉnh nguyện phát lồ sám hối, chứ không phải tụng kinh cầu sám hối. Vì thế phải tổ chức lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối vào buổi sáng 7 giờ ngày 14 và 30. Tổ chức buổi lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối vào buổi sáng được dễ dàng và minh bạch, không có phạm giới nào cả.
Hỏi 2: Khi đi khất thực thì ôm bát tay phải hay ôm bát tay trái, vì từ trước đến nay các con ôm tay trái như vậy có đúng không? Kính xin Thầy chỉ dạy cho các con.
Từ trước đến nay trong tu viện các con chỉ vấn y thượng khi đi khất thực mà thôi, còn ngoài ra thì chỉ vắt và choàng như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy thêm cho các con được rõ.
Đáp: Tay trái ôm bát là đúng không sai, còn vấn y đi khất thực là đúng oai nghi. Ở trong thất tu tập hay sinh hoạt lao tác xung quanh thất thì vắt và choàng y thượng là đúng cách. Những điều con đã trình trên là đúng oai nghi tế hạnh ôm bát, vấn y, vắt y không sai. Nhưng ôm bát tay mặt hay tay trái không quan trọng, mà quan trọng là đi trong đoàn mà người ôm bát tay trái, người ôm bát tay mặt là không đúng oai nghi của Tăng đoàn. Ôm bát tay trái là tay trái hết, ôm bát tay mặt là tay mặt hết. Cũng như vấn y thì y trung và y thượng phải trên mắt cá một phân và mọi người đều phải vấn y như vậy hết. Chứ không được người vấn y phủ mắt cá, người vấn y nửa ống chân. Các con nên lưu ý điều này, không khéo Tăng đoàn chỉ làm trò cho người hiểu biết.
Hỏi 3: Những người dự thính trong Tăng đoàn có được sắp đặt vị trí chung với nhau, hay là quý sư đó phải ngồi phía sau hoặc đi khất thực cũng đứng sau? Kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho các con rõ.
Đáp: Sinh hoạt của Tăng đoàn là sinh hoạt của những vị tăng quyết tâm tu hành đến nơi đến chốn, chứ không phải tu có hình thức hay tu thử. Vì thế, những vị tân tăng cũng như quý vị khách tăng không được cho sinh hoạt chung trong Tăng đoàn. Khách tăng và tân tăng sẽ làm cho Tăng đoàn của các con mất trật tự theo sự tổ chức.
Ví dụ: Có một vị Hòa thượng khách tăng đến thăm thì Tăng đoàn cho dự thính và sẽ cho họ ngồi chỗ nào? Nếu xếp cho ở vị trí Hòa thượng thì họ biết gì sinh hoạt theo Tăng đoàn của chúng ta, hay để họ sinh hoạt theo kiểu Đại thừa hay khất sĩ thì Tăng đoàn của chúng ta có sinh hoạt được không? Nhất là đi khất thực y áo có giống như chúng ta không? Khi thọ thực họ có hòa chung với chúng ta được hay không?
Tăng đoàn của chúng ta có sự sinh hoạt khác, không giống như Đại thừa mà cũng không giống như khất sĩ Việt Nam và Miến Điện, Thái Lan. Cho nên, trong Tăng đoàn được bao nhiêu người thì sinh hoạt bấy nhiêu người, không nên cho ai dự thính vào. Sự sinh hoạt của Tăng đoàn là sự sinh hoạt tu hành xả tâm ly dục ly ác pháp, nếu cho người khác vào dự thính thì mọi người trong Tăng đoàn sẽ bị các pháp tác động, làm sao cho tâm thanh tịnh được. Nay người này ra mai người kia vào thì Tăng đoàn này là Tăng đoàn hỗn tạp. Tăng chẳng ra tăng, đời chẳng ra đời. Nếu trong Tăng đoàn có những vị tăng nào cứ đi tới đi lui, thì xin mời vị tăng ấy ra khỏi Tăng đoàn. Người tu sĩ đã bỏ hết cuộc đời đi tu, thế mà còn đi tới đi lui là tu hành cái gì?
Hỏi 4: Trách nhiệm của trưởng và phó đoàn có những trách nhiệm như thế nào đối với Tăng đoàn? Kính xin Thầy chỉ dạy thêm cho các con được hiểu rõ.
Đáp: Trách nhiệm của Trưởng đoàn là sắp xếp chúng tăng trong Tăng đoàn, người lớn tuổi cao lớn đứng trước, người nhỏ tuổi cao lớn đứng kế tiếp sau, chứ không sắp xếp theo hạ lạp chức vụ. Vì Tăng đoàn của chúng ta lấy tinh thần đạo đức dân tộc làm đầu: “Kính lão đắc thọ” như người xưa đã nói.
- Trách nhiệm của Trưởng đoàn là khuyến khích chúng tăng tu hành, và kiểm tra thấy vị tăng nào đi tới đi lui nói chuyện phá hạnh độc cư thì khuyên ngăn, nếu không chừa bỏ thì mời ra khỏi Tăng đoàn. Những vị tăng nào phá giới phạm giới, nhiều lần phát lồ sám hối mà không chừa bỏ thì không cho sinh hoạt trong tăng đoàn nữa, và mời ra khỏi Tăng đoàn. Nếu vị tăng nào đi tới đi lui rời khỏi tu viện trên ba lần vắng mặt trong Tăng đoàn, thì xin mời ra khỏi Tăng đoàn.
- Trách nhiệm của Trưởng đoàn là bảo vệ Tăng đoàn sinh hoạt trong tu hành, nên không cho vị khách tăng và vị tân tăng nào dự thính. Vì có cho dự thính thì những vị tăng này tu học không có căn bản, vừa mất thì giờ vô ích.
Trách nhiệm của Phó đoàn là phụ giúp với Trưởng đoàn làm tất cả những công việc trên đã dạy.